Bắc Mỹ được kỳ vọng sẽ là thị trường lớn thứ hai của phần mềm Việt

Bài toán không khó

Những năm gần đây, ngành gia công phần mềm ở Việt Nam có nhiều lợi thế nhất định để trở thành một trong những quốc gia gia công phần mềm hàng đầu. Trong tham luận tại hội thảo chuyên đề “Smart Society - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT: Ứng dụng dịch vụ Viễn thông, CNTT vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng” diễn ra hồi trung tuần tháng 7/2016, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên cho hay, năm 2015 Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của Tập đoàn Gartner. Còn theo báo cáo của Công ty Tholons Study công bố hồi đầu năm 2016, TP.HCM và Hà Nội vẫn xếp Top 20 trong 100 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM xếp vị trí 18 (không đổi so với 2014) và Hà Nội xếp vị trí 19 (tăng 1 bậc).

Đại diện Vụ CNTT cũng cho biết, thị trường xuất khẩu phần mềm năm 2015 chủ yếu vẫn tập trung ở 3 khu vực Nhật, Bắc Mỹ và châu Âu. Một số doanh nghiệp như FPT Software đã mở rộng ra nhiều phân khúc thị trường mới như Mymamar và Bangladesh… Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số đã được xác định là một trong những định hướng chủ yếu của CNTT Việt Nam trong chặng đường sắp tới.

Nhìn lại chặng đường 5 năm từ 2010 - 2015, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam 5 năm qua đã đạt được tốc độ phát triển rất cao từ 30 - 40% năm. Nhờ sự nỗ lực đón bắt làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ gia công phần mềm của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là của Nhật Bản, chuyển từ 2 trung tâm là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước khu vực ASEAN; thêm vào đó, nhờ có sự ổn định của tình hình chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm của các đối tác Nhật Bản.

“Việt Nam trở thành đối tác yêu thích số một của Nhật Bản, với lượng đơn đặt hàng và giá trị tăng nhanh chóng, từ năm 2013 đã soán ngôi vị số 2 của Ấn Độ. Thị trường Mỹ và châu Âu vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt từ 20 - 30%/năm”, đại diện VINASA cho biết.

Thời gian gần đây, tiếp nối những thành công đạt được tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt đang tích cực tìm kiếm thêm những cơ hội mới tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó thị trường Bắc Mỹ được rất nhiều doanh nghiệp CNTT đặc biệt quan tâm, bởi đây là một thị trường CNTT lớn, kỳ vọng sẽ là thị trường tiềm năng thứ hai sau Nhật Bản.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, đề cập đến thị trường gia công phần mềm của Bắc Mỹ là nói đến một thị trường có quy mô lớn nhiều tỷ USD, nhu cầu cao nhưng nhân lực đáp ứng được thì thiếu và tính cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không thể ngồi chờ các đối tác này tiếp cận mà chỉ dựa vào yếu tố: giá thành rẻ nếu so sánh với Trung Quốc, Philippines hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt vẫn có được những lợi thế rất lớn so với những doanh nghiệp về CNTT khác trên thế giới, cụ thể là, cùng với việc có Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ hơn 290 trường đại học trên cả nước, Việt Nam hiện đang được các công ty lớn chọn làm điểm đầu tư lâu dài như: Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxconn, Fujitsu, Canon, Panasonic đã đặt nhà máy sản xuất; HP, CSC, Cisco, NTT, Toshiba, Sony, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam.

Thêm vào đó, Chính phủ đã và đang có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm và các ưu đãi thuế cùng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Một lợi thế quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm là giá dịch vụ gia công phần mềm tại Việt Nam mặc dù có tăng trong những năm gần đây song vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.

...Nhưng lời giải không đơn giản

Nhận định về giai đoạn phát triển tới đây, mặc dù nhấn mạnh Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT nhưng đại diện Vụ CNTT cũng chỉ rõ những khó khăn của ngành CNTT như thiếu vốn, năng lực nghiên cứu phát triển, chiến lược marketing và nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động quốc tế.

Trong thời gian tới, nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành CNTT sẽ được Bộ TT&TT đẩy mạnh, như: xây dựng các sản phẩm CNTT trọng điểm nhằm tập trung phát triển và thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất, quản lý chất lượng; tăng cường quảng bá và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, hội nghị kết nối (business matching) giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các nước…

Ở góc độ Hiệp hội, đề cập đến định hướng phát triển trong chặng đường từ nay đến năm 2020, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cho rằng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần tiếp tục cần chủ động tìm hướng đi ra nước ngoài, bởi lẽ “Thị trường Việt Nam vẫn là sân nhà bé nhỏ, thị trường thế giới thì mênh mông”.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng để cạnh tranh trong nền kinh tế hiện nay, việc nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu chi phí đang là những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Minh, Trợ lý về CNTT của Tổng giám đốc Hanel đồng thời là Tổng giám đốc HanelSoft - một công ty thành viên của Hanel cho biết: “Những tiêu chí về mặt chất lượng dịch vụ, đội ngũ nhân lực có trình độ cao, nguồn công nghệ chuyên sâu đa dạng và tiết kiệm chi phí cho khách hàng sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt giữ chân được các đối tác, khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật hay Mỹ”.

Bắc Mỹ được kỳ vọng sẽ là thị trường lớn thứ hai của phần mềm Việt

Cũng theo nhận định của đại diện HanelSoft, Việt Nam đang có sự chuyên biệt khá rõ ràng về thị trường khi hầu hết các công ty gia công phần mềm tại Hà Nội tập trung cho thị trường Nhật Bản, còn đối tác từ Mỹ thường tìm đến các công ty phía Nam. Trong bối cảnh đó, việc Global Cyber Soft - một trong những công ty gia công phần mềm thuộc Top đầu tại thành phố Hồ Chí Minh - mới lập thêm văn phòng ở Hà Nội hay sự kiện một loạt các doanh nghiệp phần mềm phía Bắc được Sở Công thương Hà Nội tổ chức sang Canada và Mỹ để giao thương, ký hợp đồng đối tác, chứng tỏ sự giao thoa và mở rộng khá rõ nét trong chiến lược phát triển mạnh mẽ và chủ động của các công ty. 

“Vấn đề là các “ông lớn” trong ngành có sẵn sàng chia sẻ cơ hội và hỗ trợ cho các công ty nhỏ hơn để cùng phát triển và xây dựng cộng đồng gia công phần mềm nói riêng cũng như ngành CNTT Việt Nam nói chung trở nên mạnh mẽ và có giá trị hơn hay không, như mục tiêu mà rất nhiều các Liên minh, Hội và Hiệp hội cùng ngành đã ra đời và mong muốn hướng tới”, đại diện HanelSoft chia sẻ.

Quan điểm nêu trên trước đó cũng đã được ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Để có thể vươn mạnh ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam không thể “đơn thương độc mã” mà cần có sự liên kết và hợp tác ngành, điều chúng ta chưa từng có trước đây”.