Theo Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu, ngày 29/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bạc Liêu năm 2017.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, các hệ thống thông tin tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử cấp tỉnh, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực quản lý của các cấp chính quyền, gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, tạo ra một môi trường làm việc tại các cơ quan công quyền ngày càng minh bạch, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh; đẩy mạnh việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Kế hoạch nêu rõ các mục tiêu cụ thể như sau: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị CNTT trong các cơ quan Nhà nước đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn và đủ khả năng phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan; kết nối mạng chuyên dùng của tỉnh đến tất cả các cơ quan Nhà nước các cấp.
Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước: 100% các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong tỉnh đều ứng dụng hệ thống quản lý văn bản liên thông của tỉnh, tạo môi trường làm việc hiện đại, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian làm việc. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tất cả các văn bản không mật, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được gửi dưới dạng điện tử, duy trì và thực hiện nghiêm túc việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong trao đổi văn bản, công việc.
Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: Phấn đấu 100% Cổng thông tin điện tử các cơ quan Nhà nước cung cấp đầy đủ các nội dung theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Tiếp tục xây dựng Cổng thông tin điện tử trở thành kênh thông tin chính thống giới thiệu về lợi thế, tiềm năng, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tiếp tục đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1 và 2 trên Cổng thông tin điện tử các cơ quan Nhà nước tỉnh, tăng cường cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 trở lên ở một số ngành, lĩnh vực và kết nối liên thông vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia, góp phần giảm bớt thủ tục giấy tờ, thời gian, công sức cho xã hội; triển khai hệ thống một cửa tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ làm việc với cơ quan Nhà nước.
Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử: Xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; từng bước tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với nhau và với các hệ thống cấp quốc gia, tạo môi trường chia sẻ thông tin qua mạng giữa các cơ quan Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin và thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT: 100% cán bộ lãnh đạo phụ trách lĩnh vực CNTT được cập nhật các kiến thức mới về CNTT; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng tri thức và xã hội thông tin; 100% cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm phụ trách lĩnh vực CNTT được cập nhật các kiến thức mới về phần mềm, phần cứng và an ninh mạng và được đào tạo các kiến thức về quản lý ứng dụng CNTT.
Với mục tiêu trên, tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra một số những nội dung để thực hiện được kế hoạch đã đề ra trong năm 2017 như: Hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh, mở rộng kết nối đến cấp xã; triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan Nhà nước trong tỉnh để tích hợp vào các phần mềm ứng dụng CNTT của tỉnh; mở rộng hệ thống quản lý văn bản liên thông của tỉnh tới cấp xã, đảm bảo liên thông văn bản với các cơ quan Trung ương và các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tích hợp chữ ký số lên hệ thống quản lý văn bản liên thông của tỉnh để việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị được thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiết kiệm; duy trì hoạt động hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh; tiếp tục duy trì hoạt động, hoàn thiện, nâng cấp Cổng thông tin của tỉnh và các Cổng thông tin điện tử các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đảm bảo cập nhật đầy đủ các nội dung theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ.
Ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin về hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp theo hướng xử lý và trao đổi trên môi trường điện tử; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử các huyện, thành phố đã xây dựng; triển khai hệ thống một cửa điện tử cho tất cả các huyện, thị xã còn lại.
Triển khai, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống: Quản lý dự án và hộ kinh doanh cá thể; quản lý điều hành vốn đầu tư ngân sách nhà nước áp dụng trên địa bàn tỉnh; một số hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung: đất đai, địa giới hành chính của tỉnh, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT như: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT, quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, kiến trúc chính quyền điện tử; đào tạo về quản trị mạng căn bản, quản trị mạng nâng cao, quản trị hệ thống, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin;...