Lan tỏa mô hình cơm treo
Từ sự chia sẻ của cộng đồng mạng mà mô hình “cơm treo” ngày càng lan tỏa rộng rãi ở nhiều nơi. Ảnh: Nguồn Facebook
Thời gian gần đây, lướt mạng xã hội, chúng ta thường thấy những bài viết về với tiêu đề “cơm treo”. Mô hình này không mới, nhưng đang nở rộ ở nhiều nơi. Đây là hình thức khách đến quán ngoài trả tiền phần ăn của mình thì còn trả thêm suất nữa, nhưng họ không dùng mà để dành tặng người khó khăn đến sau.
Người “treo” cơm thường không để lại danh tính. Khách đến lấy “cơm treo” có thể là người già neo đơn, người bán vé số, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
Hình thức hay và ý nghĩa này được phỏng theo mô hình “suspended coffee” bắt nguồn từ nước Ý, đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đói nghèo gia tăng. Hành động trả tiền trước để mời cà phê một người xa lạ được xem như cách từ thiện ẩn danh, chia sẻ gánh nặng cuộc sống với người nghèo.
Từ sự chia sẻ của cộng đồng mạng mà mô hình “cơm treo” ngày càng lan tỏa rộng rãi. Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều người nghèo được no lòng qua những lúc chật vật.
“Đu trend” nồi cơm điện: Vui thôi đừng vui quá!
Một số hình ảnh “đu trend” nồi cơm điện của cư dân mạng. Ảnh: Nguồn Facebook
Mạng xã hội những ngày gần đây bỗng tràn ngập hình ảnh dân mạng check-in cùng nồi cơm điện, hoặc những lời rao bán, thu mua ruột nồi cơm điện với số lượng lớn… Tuy nhiên, điều đáng nói là trong đó có rất nhiều người không biết gì về nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc trend này, thấy người ta đăng tải vui vui nên bắt chước theo. Vậy trend này có ý nghĩa là gì và xuất phát từ đâu?
Thực chất, trào lưu này xuất phát từ sức ảnh hưởng của ông Thích Minh Tuệ. Ông Thích Minh Tuệ là người thực hiện tự tu theo lối khổ hạnh đã nhiều năm qua, nhưng trong thời gian này bỗng trở thành tâm điểm được đông đảo công chúng quan tâm. Ông Thích Minh Tuệ từng chia sẻ vật dụng mang theo để đựng thức ăn được ông “tái chế” từ chiếc nồi cơm điện được người dân cho lúc trước.
Mặc dù đây là trào lưu hài hước, nhưng cũng giống như trường hợp “ra khơi tìm kho báu” cách đây không lâu, ban đầu là đùa cợt, sau đó thành làn sóng “copy”, hùa theo khiến nhiều người lầm tưởng những lời rao bán, thu mua nồi cơm điện với số lượng lớn là thật. Thậm chí, trong việc bắt chước này đã có một số hình ảnh phản cảm, bị cộng đồng mạng chỉ trích. Từ thực tế ấy cho thấy, muốn “đu trend” thì phải tìm hiểu kỹ, bởi “đu trend” mà thiếu kiến thức thì có khi sẽ dẫn tới những rắc rối không ngờ.
Theo Huyền Huyền (Báo Bạc Liêu)