Người Trung Quốc có từ riêng dành cho những nhà đầu tư chứng khoán nghiệp dư. Đó là "hành", loại cây khỏe mạnh có thể sinh sôi nảy nở ngay sau khi gieo trồng. Chúng cứ thế mọc lên liên tục, giống các nhà đầu tư săn đuổi những cổ phiếu meme hoặc SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) để kiếm lời.
"Thị trường Mỹ dường như là 'thiên đường' để các công ty Trung Quốc săn 'hành'", nhà báo Shuli Ren của Bloomberg nhận định.
Đó là những gì xảy ra với Didi Global Inc., gã khổng lồ gọi xe của Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD, công ty đã gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng của Didi Chuxing. Ảnh: Reuters. |
Rắc rối lớn
Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Như vậy, các cửa hàng ứng dụng lớn nhất Trung Quốc như của Apple Inc., Huawei Technologies Co. và Xiaomi Corp. sẽ phải xóa bỏ ứng dụng của Didi. Tuy nhiên, gần nửa tỷ khách hàng đã tải Didi vẫn có thể tiếp tục gọi xe và sử dụng những dịch vụ khác.
Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.
Theo Bloomberg, sau kỳ nghỉ cuối tuần, các nhà đầu tư Mỹ sẽ trở lại một thị trường đầy biến động. Đây là cuộc điều tra đầu tiên được Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc công khai.
Như vậy, gã khổng lồ gọi xe sẽ là mục tiêu mới cho chiến dịch bảo mật dữ liệu của Bắc Kinh, tương tự Alibaba trong cuộc chiến chống độc quyền và Ant Group ở lĩnh vực tài chính. "Chúng ta đang vướng vào một rắc rối chưa từng gặp phải và các nhà đầu tư Mỹ có thể lỗ lớn", cây bút của Bloomberg nhận định.
Các thị trường từng lao đao sau khi Ant bị chính quyền Bắc Kinh yêu cầu hủy IPO. Ảnh: CNN. |
Theo quy định mới có hiệu lực vào năm ngoái, các công ty bị điều tra sẽ nhận được kết quả điều tra ban đầu trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, không ai biết quá trình này mất bao lâu và hình phạt như thế nào.
Mức phạt có thể cao gấp 10 lần "số tiền thu được bất hợp pháp" theo định nghĩa mơ hồ của luật an ninh mạng, hoặc có thể dẫn đến đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Didi quyết định IPO bất chấp việc các cơ quan chính phủ tăng cường giám sát. Hồi tháng 4, cơ quan quản lý chống độc quyền và cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc đã triệu tập hơn 30 công ty Internet lớn, bao gồm Didi. Những công ty này bị yêu cầu tự thanh tra về các hoạt động chống độc quyền, chính sách thuế, việc tuân thủ luật và quy định liên quan.
Chịu lỗ lớn
Một tháng sau, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc yêu cầu công ty đảm bảo công bằng cho hành khách và tài xế. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận đối với nền kinh tế tạm bợ (gig economy), vốn bị cho là bóc lột những người lao động hợp đồng.
Theo Bernstein Research, các tài xế ở những thành phố cấp 1 tại Trung Quốc kiếm được khoảng 10.000 USD (1.500 USD) mỗi tháng, thấp hơn 10% so với thu nhập trung bình tại các thành phố này.
Một thông báo trên ứng dụng của Didi vào ngày 29/6, một ngày trước khi IPO, cho biết những thay đổi mới đối với chính sách bảo mật dữ liệu và thông tin người dùng sẽ có hiệu lực vào ngày 7/7.
Kể từ khi thành lập với tư cách một dịch vụ gọi xe vào năm 2012, Didi đã trải qua một thương vụ sáp nhập lớn hồi năm 2015, mua lại năm 2016 và 6 vòng tài trợ.
Tuy nhiên, thị trường tại các thành phố cấp 1 đang trở nên bão hòa. Biên lợi nhuận của Didi mỏng đi đáng kể. Đây có lẽ là thời điểm tốt để IPO. Những nhà đầu tư nước ngoài lớn của công ty cần phải "thoát an toàn". SoftBank Group Corp. và Uber Technologies Inc. sở hữu lần lượt là 20,1% và 11,9% cổ phần của Didi.
"Nhưng tại sao lại không IPO?", nhà báo Shuli Ren nhận xét. Xét cho cùng, thị trường Mỹ đã cho phép các SPAC huy động được hơn 100 tỷ USD trong năm nay.
Cổ phiếu meme cũng khởi sắc bất chấp những đợt bán ra của doanh nghiệp. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của AMC Entertainment Holdings Inc. đã tăng hơn 23 lần chỉ riêng trong năm nay, ngay cả khi công ty đã bán cổ phiếu mới vào tháng 4 và tháng 6.
"Do đó, vì sao các công ty Trung Quốc lại không muốn thử vận may?", nhà báo Shuli Ren viết.
Washington đã rất cố gắng ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết, thậm chí còn đe dọa hủy bỏ thủ tục này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục huy động vốn mới. Đơn giản là bởi giới đầu tư có nhu cầu, bất chấp rủi ro.
Cho đến nay, lập trường chống độc quyền của Trung Quốc đã khá rõ ràng. Đối với những khoản phạt như của Alibaba, các tập đoàn công nghệ lớn có thể chỉ cần thanh toán và tiếp tục.
"Nhưng với những vi phạm an ninh mạng của Didi, chúng ta đang bước vào thế giới ẩn số", cây bút của Bloomberg nhận xét.
(Theo Zing)
Người Mỹ đang 'kiếm bộn tiền' ở Trung Quốc
CNBC cho biết, các nhà đầu tư Mỹ nằm trong số những nhà đầu tư đang "kiếm bộn tiền" ở Trung Quốc, đặc biệt trên thị trường trái phiếu nước này.