Danh sách các đơn vị truyền thông bị thắt chặt quản lý bao gồm Tân Hoa xã, Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), Trung Hoa Nhật báo (China Daily) và Hai Tian Development USA.
Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ liệt truyền thông Trung Quốc vào dạng cơ quan chính phủ, nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền đáp trả trước hành động này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết động thái này là “không thể chấp nhận được”, và kêu gọi Mỹ “bỏ lối suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh”.
Một sạp báo tại Thượng Hải, Trung Quốc |
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết bước đi này nhẽ ra đã phải thực hiện từ lâu, khi mà các kênh truyền thông trên vốn luôn là “đơn vị phát ngôn của chính phủ Trung Quốc”.
Theo luật của Mỹ, các đơn vị nằm trong diện “cơ quan đặc phái nước ngoài”, tương tự như đại sứ quán, sẽ phải chia sẻ danh sách nhân sự và đăng ký tất cả các tài sản họ thuê hoặc sở hữu tại Mỹ với Bộ Ngoại giao.
Xung đột mới nhất này đến khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh thương mại kéo dài đã gần hai năm, khi hai nước liên tục áp thuế lên hàng hoá của nhau kể từ năm 2018.
Anh Thư