Theo Nikkei Asian Review, cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc mới công bố các quy định mới. Những quy định này sẽ giáng thêm đòn vào tập đoàn fintech (tài chính công nghệ) của Jack Ma, làm đảo lộn mô hình kinh doanh của công ty tín dụng vi mô trực tuyến (microlending) này.
Theo quy định mới của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), các ngân hàng sẽ phải quản lý rủi ro đối với khoản cho vay chung cùng những nền tảng Internet như Ant.
Ngoài ra, các nhà băng còn "bị nghiêm cấm" cho vay trực tuyến ngoài khu vực mà họ đăng ký.
Những quy định mới của chính quyền Trung Quốc sẽ làm đảo lộn mô hình kinh doanh kiếm lời cao của Ant. Ảnh: Reuters. |
Mất nguồn thu lớn
Ant nhận hồ sơ vay vốn qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, sau đó chuyển tiếp chúng và đánh giá tín dụng của khách hàng đến các ngân hàng đối tác. Gã khổng lồ fintech kiếm tiền từ việc thu phí của những nhà băng này.
Các khoản phí được ước tính khoảng 15-30% thu nhập từ lãi vay của những ngân hàng đối tác, đóng góp vào 40% doanh thu hoạt động của Ant.
Nếu Ant không thể tiếp tục cung cấp đánh giá tín dụng cho các ngân hàng đối tác, khoản phí chắc chắn sẽ bị giảm xuống.
CBIRC cho biết các quy định mới nhằm tăng cường quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng nhắm vào nguồn thu chính của Ant. Đó là mảng tín dụng vi mô dành cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
CBIRC cũng yêu cầu các công ty tín dụng trực tuyến như Ant phải bỏ ít nhất 30% vốn cho mọi khoản cho vay chung với ngân hàng đối tác.
Khoản phí từ các ngân hàng đối tác là nguồn thu lớn của Ant. Ảnh: Reuters. |
Từ trước đến nay, thông qua nguồn vốn từ ngân hàng hoặc những khoản cho vay dưới dạng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, Ant không chịu nhiều áp lực về vốn. Hiện, dư nợ tín dụng của công ty ở mức 2.000 tỷ USD (309 tỷ USD). Tuy nhiên, Ant phải tăng thêm khoảng 90 tỷ để đáp ứng yêu cầu mới.
Theo những quy định mới được CBIRC công bố, các khoản cho vay chung của ngân hàng không được vượt quá 25% vốn cấp một của nhà băng. Những ngân hàng trong khu vực cũng bị cấm cho vay trực tuyến ngoài khu vực mà họ đăng ký.
Theo Nikkei Asian Review, việc áp đặt các giới hạn về khu vực đối với những dịch vụ trực tuyến nghe có vẻ phi lý. Tuy nhiên, đó là nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng vốn lớn chảy vào Ant.
Ant sẽ phải hoàn tất chuyển đổi kinh doanh để đáp ứng những quy định mới vào năm 2022. Như vậy, công ty chỉ có khoảng thời gian ngắn để vạch ra một lộ trình đủ thuyết phục cho phép Ant khởi động lại đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Hàng loạt rắc rối
Ngoài các rắc rối của Ant, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba còn bị chỉ trích về điều kiện làm việc khắc nghiệt của nhân viên. Trường hợp gần nhất là Ele.me - đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến thuộc Alibaba.
Ban đầu, Ele.me cho biết sẽ không trả thưởng cho các nhân viên vận chuyển, trừ khi họ hoàn thành 380 đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 15/2 đến 21/2).
"Điều này là hoàn toàn không thể. Tôi thậm chí sẽ không thử cố để đạt được", một nhân viên giao hàng của Ele.me chia sẻ trong bài đăng trên mạng xã hội.
Ele.me là đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến thuộc Alibaba, được xem là Uber Eats của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Nhân viên của Ele.me cho biết rất khó để hoàn thành hơn 30 đơn hàng trong vòng một ngày, ngay cả khi thời gian tính từ lúc nhận đơn đến khi hoàn thành chỉ mất 20 phút. Điều này có nghĩa là nhân viên giao hàng sẽ mất 10 giờ thực hiện 30 chuyến giao hàng không ngừng nghỉ.
Người này tiết lộ anh có thể thực hiện 200 chuyến giao hàng trong vòng một tuần. Tuy nhiên, con số 380 là bất khả thi.
Nikkei Asian Review mô tả động thái của Ele.me là "cực kỳ tàn nhẫn". Tết Nguyên đán là một sự kiện quan trọng đối với nhiều người Trung Quốc. Hàng trăm người lao động nhập cư có thể về nhà vào dịp này.
Nếu Alibaba và Ant chinh phục được trái tim và lý trí người dùng, chính quyền Trung Quốc sẽ giáng đòn một cách ít trực diện hơn. Nếu không, Bắc Kinh có thể hành động cứng rắn mà chẳng cần do dự - Nikkei Asian Review |
Các lệnh hạn chế di chuyển vì dịch Covid-19 khiến nhiều người không thể về quê. Động thái của Ele.me khiến cuộc sống của họ càng thêm khốn khổ.
Sau những chỉ trích dữ dội của công chúng, công ty giao đồ ăn thuộc Alibaba buộc phải xin lỗi và đền bù bằng số tiền thưởng cao hơn.
Điều này khiến Bắc Kinh càng có thêm lý do để siết chặt kiểm soát với đế chế kinh doanh của ông Ma. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt nhạy cảm với dư luận.
"Nếu Alibaba và Ant chinh phục được trái tim và lý trí người tiêu dùng, chính quyền Trung Quốc có thể giáng đòn lên họ một cách ít trực diện hơn", tờ Nikkei Asian Review viết.
"Nhưng nếu không có sự thông cảm của công chúng, Bắc Kinh có thể hành động cứng rắn mà chẳng cần do dự gì", tờ này khẳng định.
(Theo Zing)