Trung Quốc đang ráo riết tận dụng sức mạnh khoa học công nghệ để củng cố các tuyên bố “cưỡng đoạt chủ quyền” của mình tại Biển Đông.

Tính lưỡng dụng của các dự án khoa học công nghệ, một mặt giúp Bắc Kinh khẳng định sức mạnh đang lên của một cường quốc biển, mặt khác giúp đảm bảo sự kiểm soát của quân đội tại các vùng biển tranh chấp.

Việc nước này tuyên bố sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm sâu 3.000 mét dưới mực nước biển là ví dụ mới nhất chứng minh cho nhận định trên. Hiện, khung thời gian để tiến hành dự án, bản vẽ thiết kế chi tiết, hay kinh phí của dự án vẫn chưa được tiết lộ.

Đây là một dự án đầy tham vọng. Ngoài mục đích tìm kiếm khoáng sản, phòng thí nghiệm còn có thể sử dụng vào mục đích quân sự như theo dõi tàu ngầm hay thiết lập các kênh liên lạc quân sự.

{keywords}
Trung Quốc xây trung tâm nghiên cứu sâu 3km dưới BIển Đông. Ảnh: DigitalTrends

Các công nghệ biển sâu thường mang tính lưỡng dụng cao. Ngoài việc được sử dụng cho nghiên cứu khoa học, các hệ thống thông tin liên lạc dưới nước hay các loại cảm biến đáy biển đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng. Thời bình, chúng được sử dụng để theo dõi các tàu ngầm hay tàu chiến của nước ngoài. Trong thời chiến, chúng đóng vai trò kết nối hệ thống thông tin, hoàn thiện hệ thống chỉ huy kiểm soát, giám sát cũng như trinh sát…

Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các dự án liên quan đến biển, đang được Trung Quốc chú trọng đầu tư. Trình độ khoa học công nghệ hiện tại, cũng như nguồn kinh phí dồi dào, giúp Trung Quốc theo đuổi nhiều cách tiếp cận khác nhau để tạo lợi thế trong các tranh chấp chủ quyền biển. Bắc Kinh chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển nói chung vào khoảng 216 tỷ USD trong năm 2015. Trong khi ngân sách quốc phòng cùng năm vào khoảng 145 tỷ USD.

Các công nghệ mới trong khảo cổ học dưới nước giúp Trung Quốc trong việc tìm kiếm hay thăm dò cổ vật dưới đáy biển. Các cổ vật được “tìm thấy”, ở Hoàng Sa hay Trường Sa, sẽ được Trung Quốc sử dụng như các bằng chứng chủ quyền.

Một số dự án đáng chú ý khác khác bao gồm tàu lặn Giao Long năm 2012 đã đạt kỷ lục lặn sâu hơn 7.000 mét so với mực nước biển. Tàu lặn này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như phát hiện thuỷ lôi, vẽ bản đồ đáy biển với độ chính xác cao, trinh sát, giám sát biển, thu thập sinh khối…

Cũng trong những năm vừa qua, Trung Quốc tập trung quan tâm chế tạo các thiết bị không người lái dưới nước (UUVs). Các lĩnh vực tập trung nghiên cứu bao gồm hệ thống nhận diện hình ảnh và các hệ thống thông tin liên lạc dưới nước. UUVs hay USVs, cũng như tất cả các hệ thống không người lái khác, được nhận xét là tương lai của chiến tranh. Dĩ nhiên, tuỳ vào chiến thuật và chiến lược sử dụng mà các loại UUVs hay USVs có vai trò khác nhau, song tầm quan trọng của chúng trong quân sự đang ngày càng gia tăng.

Kế hoạch đáng chú ý nhất gần đây là việc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC), một trong hai tập đoàn đóng tàu quốc doanh lớn nhất đất nước, tiết lộ chi tiết về kế hoạch xây dựng “Dự án Vạn lý trường thành dưới dước (Underwater Great Wall Project).

Đầu tư từ tàu lặn đến các thiết bị không người lái, từ khảo cổ học dưới nước tới xây dựng trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển, Trung Quốc cho thấy Trung Quốc không ngừng củng cố tham vọng “cường quốc biển”.

Môi trường quốc tế hiện đại khiến các cường quốc khó có thể sử dụng vũ lực một cách tuỳ tiện. Để đạt được các mục tiêu đối ngoại và đối nội, các cường quốc mới nổi như Trung Quốc sử dụng các biện pháp “mềm” hơn, thông qua công nghệ là một cách tiếp cận.

Trong bối cảnh Trung Quốc muốn chuyển mình từ cường quốc lục địa sang cường quốc hải dương, yếu tố công nghệ càng đóng vai trò to lớn hơn. Tuy vậy, luôn cần có một độ tỉnh táo nhất định với cả hai chiều hướng. Một là xu hướng dân sự hay khoa học, mà hầu hết đều là các dự án lưỡng dụng phục vụ cho các mục tiêu chiếm đoạt chủ quyền. Xu hướng này đến nay càng rõ ràng và đo đếm được qua các phương tiện kỹ thuật-hỗ trợ khác nhau.

Hai là khoảng cách giữa các tuyên bố và thật chất do phía Trung Quốc công bố. Công nghệ quân sự của Trung Quốc hiện tại đang tụt hậu 20 năm so với Hoa Kỳ, và 20 năm trong thế giới công nghệ hiện nay là một khoảng cách thật sự lớn, lẫn khoảng cách xét về mặt chất lượng.  Một điểm cũng quan trọng không kém: công nghệ dưới đáy biển là một đầu tư rất đắt tiền. Hơn một tuần sau khi có những thông tin ban đầu, các ý kiến mang tính nghi ngờ về dự án phòng thí nghiệm sâu 3.000 mét dưới mực nước biển đều tập trung ở tính “xa xỉ” của dự án.

Cần cân bằng được hai yếu tố này sẽ giúp có một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn trong các đánh giá về tình hình thực địa tại Biển Đông sắp tới.

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của SCIS.