Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Thời gian qua, các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung, sử dụng giống cây chất lượng, cho năng suất cao; tăng cường thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ; thực hiện chứng nhận ATTP hoặc VietGAP.
Nhằm thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hỗ trợ liên kết, hợp tác trong phát triển nông, lâm nghiệp. Tỉnh Bắc Kạn được kết nối với các địa phương lân cận thông qua mạng lưới giao thông đường bộ mà không có cửa khẩu, không có đường biên giới nên có một số khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế.
Từ khi có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo sát sao các tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến sản xuất ra các sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chuẩn tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tại các huyện Chợ Đồn, huyện Chợ Mới, huyện Na Rì, huyện Ba Bể, huyện Pác Nạm của tỉnh Bắc Kạn đã khiến việc phát triển và nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung, góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 184 sản phẩm OCOP từ ba sao đến năm sao. Trong đó, có 1 sản phẩm năm sao đã được xuất khẩu thường xuyên đi Cộng hòa Séc là miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP bốn sao; 165 sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích.
Với nhiều sản phẩm phát triển từ nông, đặc sản địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều trong cả nước, nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá cao. Tỉnh Bắc Kạn với nhiều sản phẩm OCOP như Lạp sườn gừng đá của HTX Chi Lăng (huyện Na Rì), sản phẩm Giò nấm HG của HTX nông nghiệp Hợp Giang (huyện Bạch Thông), Bún khô Quỳnh Niên của HTX Quỳnh Niên (huyện Ngân Sơn), Bánh gạo nương của Cơ sở sản xuất Thanh Yên (huyện Chợ Mới), Thịt lợn treo gác bếp, Xúc xích lợn bản địa Pác Nặm của HTX Dịch vụ và phát triển nông nghiệp (huyện Pác Nặm), Hồng tươi của HTX Tân Phong (huyện Chợ Đồn), Trà Lê Hà của HTX chè Mỹ Phương (huyện Ba Bể), Bí xanh thơm của HTX Đức Thanh (huyện Ba Bể) và nhiều sản phẩm đặc sản khác đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Tỉnh Bắc Kạn đang trong quá trình nghiên cứu để các sản phẩm được chứng nhận OCOP gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, theo đó thực hiện thủ tục công nhận các sản phẩm đạt 3 sao trở lên.
Để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu, trong thời gian tới, các sản phẩm sẽ liên tục được tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ để nâng tầm sản phẩm, nâng hạng sao đối với những sản phẩm chủ lực. Với lợi thế về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP nhằm hướng tới xuất khẩu bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả và bền vững.
Bắc Kạn đang đầu tư mạnh về máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng chất lượng, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu thị trường trong nước và nước ngoài.
Nhóm PV