Bắc Kạn là tỉnh miền núi với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để đạt mục tiêu đề ra trong thực hiện các chính sách về dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã tích triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách tín dụng, dạy nghề, xuất khẩu lao động, chính sách về y tế; giáo dục; hỗ trợ về tiền điện, nhà ở, trợ giúp pháp lý, văn hóa thông tin... 

Năm 2022, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng; từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 97,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,5% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã được phủ sóng điện thoại di động; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95,4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 96,3%...

Các chính sách dân tộc từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn.

Đổi thay ở ‘ốc đảo’ Thôm Ưng từ khi có điện

Thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông được ví như là ốc đảo, nằm biệt lập với bên ngoài. Bao quanh thôn là những dãy núi trùng trùng, điệp điệp. Thôn cách trung tâm xã Mỹ Thanh chưa đến 10km nhưng do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên việc đi lại ở đây rất vất vả.

Từ UBND xã, chúng tôi bắt đầu di chuyển vào thôn khoảng 7 giờ sáng. Hai chiếc xe máy dã chiến bền bỉ đưa chúng tôi vượt qua 4 con dốc cao, trơn trượt, ngoằn nghèo.

Mặc dù đã có kinh nghiệm đi lại nhiều ở khu vực đồi núi nhưng anh Thành, người dẫn chúng tôi vào vẫn không khỏi lo lắng. Thời điểm này, đường vào thôn đang được các cấp chính quyền làm mới nên càng khó đi hơn. Nhiều đoạn gồ ghề, sỏi đá chúng tôi vừa xuống đi bộ, vừa hò nhau đẩy xe qua những đoạn dốc dựng đứng với một bên là vực, một bên là núi đá.

Nơi chúng tôi đi qua, xung quanh heo hút, không một bóng người, chỉ có tiếng của chính mình vọng lại. Thi thoảng mới gặp tốp công nhân đang đào đất, làm đường mương thoát nước. Gần nửa ngày trèo đèo, vượt dốc, cả nhóm mới vào đến thôn.

Thôm Ưng khởi sắc từ khi hòa điện lưới quốc gia. 

Thôm Ưng hiện lên thật đẹp với nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Dao, Nùng lọt trong lòng núi, làn khói bếp như dải lụa mềm phất phơ trong gió. Hiện nay thôn có 30 hộ dân, xét theo tiêu chí nghèo đa chiều của giai đoạn 2021 – 2025, thôn còn 27 hộ nghèo.

Anh Triệu Văn Hữu, trưởng thôn Thôm Ưng nhớ lại, “Cách đây gần 10 năm, Thôm Ưng cơ sở hạ tầng không có, mọi sinh hoạt của người dân phần lớn diễn ra vào ban ngày vì không có điện. Nước sạch và tưới tiêu cho trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên.

Nhà nào có điều kiện một chút thì mua được máy phát điện nước mini công suất nhỏ, tạm đủ thắp bóng đèn nhỏ cho bữa cơm tối. Những gia dụng hiện đại như ti vi, nồi cơm điện, quạt gần như không xuất hiện. Đặc biệt thôn không có sóng điện thoại. Có thể nói, thôn hoàn toàn bị biệt lập với bên ngoài. Những ngày mưa lớn, ngập lụt, chính quyền phải cử đoàn vào tiếp tế lương thực và nắm tình hình…”

Theo anh Hữu, do khí hậu ở đây khắc nghiệt, mùa đông có nhiều sương muối nên 1 năm chỉ trồng được 1 vụ lúa. Các loại cây khác khó phát triển, dẫn đến kinh tế bấp bênh. Bên cạnh đó, giao thông cách trở, điện, nước sinh hoạt không có kéo theo sự thiếu hụt về giáo dục, y tế. Nhiều con em trong bản phải hỏ học giữa chừng…

Chị Nguyễn Thị Loan, Chi hội phụ nữ thôn Thôm Ưng cho biết thêm, ngày trước chưa có điện, việc bảo quản đồ ăn rất khó. Mùa hè chỉ sáng đến chiều là hỏng. Trong thôn phải thay phiên nhau đi chợ hàng ngày, một người đi là mua giúp cả thôn.

Năm 2016, chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của tỉnh và các đơn vị ban ngành đã khởi công kéo điện về thôn. Năm 2021, cả thôn chính thức hòa điện lưới quốc gia.

Nay, Thôm Ưng đã chuyển mình mạnh mẽ, màn đêm “bí ẩn” năm nào đã được thắp sáng nhờ đèn cao áp, đèn điện. Những bữa cơm chiều có nồi cơm điện nức mùi gạo mới, tối đến các gia đình quây quần bên chiếc tivi xem tin tức thời sự, giải trí… Đâu đó có gia đình đã sắm được tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm cả tuần tươi ngon.  

Sự thay đổi lớn nhất từ khi có điện có lẽ phải kể đến mạng wifi đã phủ sóng khắp các nhà. Công tác giảm nghèo thông tin ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù chưa có sóng điện thoại vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhưng với mạng wifi, các gia đình có cơ hội tìm hiểu, nâng cao dân trí, biết được nhiều chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, làm kinh tế.

Một số mô hình phát triển kinh tế như trồng quế, trồng chè được người dân thử nghiệm. Hy vọng thời gian tới cây sẽ phát triển tốt, mở ra hướng đi mới trong xây dựng kinh tế cho bà con.

Chị em phụ nữ học hỏi cách chăm sóc bản thân, gia đình qua mạng Internet. 

Thông qua mạng Internet, loa truyền thanh, người dân đã biết quan tâm đến sức khỏe của mình. Phụ nữ sinh đẻ đã đến bệnh viên thăm khám, theo dõi thai kỳ và sinh tại bệnh viện… Vài năm trở lại đây, thôn không có người sinh con thứ 3, đồng bào luôn đoàn kết, gắn bó.

Về vấn đề giáo dục, anh Hữu thông tin, thôn có một điểm trường mầm non khoảng 20 cháu, độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi; còn trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 phải xuống học bán trú tại Trường tiểu học - trung học cơ sở xã Mỹ Thanh. Cấp 3 thì thuê trọ, học dưới tỉnh. Các cháu bé khi xuống học bán trú sẽ có bà theo hỗ trợ. Từ khi được tiếp cận với thông tin, báo đài, người dân biết được tầm quan trọng của việc giáo dục với trẻ em nên dù vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng các gia đình quyết không để con mình thất học. Tỷ lệ trẻ trong thôn được đến trường là 100%.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung này đang được tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và đạt được hiệu quả cao.

Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông trước nay đi lại khó khăn, dốc cao, trơn trượt, không ít người dân đã bị ngã khi di chuyển trên tuyến đường này. Đó là sự ngăn trở lớn đối với người dân thôn Thôm Ưng, thôn đặc biệt khó khăn này. Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cân đối ngân sách năm 2022, huyện Bạch Thông đã triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh với chiều dài 3 km.

Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh đang được triển khai. 

Bó Pia - một trong hai thôn khó khăn của xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn với phần lớn là đồng bào Dao sinh sống. Thôn hiện có 57 hộ dân, một nửa trong số đó sinh sống bên kia suối, trước đây, người dân đều phải đi qua con đường mòn đất đỏ, lầy lội vào mùa mưa.

Năm 2022, thôn được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để bê tông hóa đường nội thôn. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay của bà con trong thôn, đường nội thôn có chiều dài 300 m đã sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn thực hiện đầu tư, xây dựng 249 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó có 114 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình cấp điện, 71 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình lớp học, 43 công trình thủy lợi, 8 công trình khác, 7 công trình đường giao thông liên xã và thực hiện duy tu bảo dưỡng 91 công trình trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng nguồn vốn được giao 150.823 triệu đồng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện để sớm hoàn thành tiến độ và đưa vào sử dụng.

Từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn…

Đạt được những kết quả đó, tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ kết hợp với phát huy thế mạnh của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Tạo việc làm bền vững – động lực thúc đẩy an sinh xã hội

Triển khai Chương trình giảm nghèo quốc gia, ngày 3/3/2023 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch 139 thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung "Hỗ trợ việc làm bền vững" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm.

Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2% - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 (giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 22,22%, số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 18.235 hộ, giảm 2.046 hộ).

Cụ thể, tỉnh phấn đấu giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm. Mục tiêu giải quyết việc làm cho 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Để thực hiện giảm nghèo, tỉnh triển khai 7 dự án với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng, trong đó có dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Người dân làm trung tâm của các chính sách dân tộc

Để việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trong năm 2023 đạt kết quả cao, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh tập trung tham mưu với tỉnh trong chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc.

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn triển khai nhiều chính sách dân tộc với quan điểm lấy người dân làm trung tâm.

Trong đó, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 29/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân đối với công tác dân tộc, nhất là thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo thực hiện đúng, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tham mưu chỉ đạo triển khai tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và công tác thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định. Thực hiện tốt công tác nắm địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục tham mưu kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Văn Hùng và nhóm PV, BTV