Cuối năm 2020 đến nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc tích cực tái đàn lợn.
Tuy nhiên, một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; việc tái đàn lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau Tết Nguyên đán chưa đảm bảo về nguồn gốc con giống và an toàn dịch bệnh...
Ảnh minh họa |
Với tinh thần kiên quyết không để các dịch bệnh như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung Phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn gia súc; chỉ đạo các địa phương đang có dịch tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài; thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch theo quy định; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại các địa phương có dịch.
Tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh; định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật; duy trì và tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đồng thời triển khai kế hoạch chăn nuôi an toàn và hiệu quả, tăng cường tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải thông báo, kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện nuôi tái đàn, kiểm soát chặt chẽ việc nhập con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh và nguồn gốc xuất xứ, khi nhập lợn giống từ ngoài tỉnh phải được cơ quan thú y nơi xuất phát kiểm dịch theo quy định; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Các huyện bố trí đủ cán bộ chuyên môn cho Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và cán bộ thú y cấp xã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và trong chỉ tiêu biên chế được giao để tăng cường, củng cố, nâng cao năng lực thú y. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập tổ công tác, tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh để chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống hiệu quả; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn...
Chi Cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn vệ sinh hằng ngày trong, ngoài chuồng nuôi, quét dọn thu gom rác và chất thải. Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
Định kỳ 1lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi. Sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, các thiết bị dụng cụ bảo hộ lao động trước khi đưa vào trại và sau khi sử dụng; sát trùng người và phương tiện vận chuyển; xử lý phân và chất thải bằng biogas, chôn, đốt; tiêu huỷ xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan Thú y.
Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi như: Cách ly, kiểm soát ra vào cơ sở chăn nuôi; không nuôi các động vật khác như lợn rừng, gà, vịt, chó, mèo trong khu vực chăn nuôi lợn; không cho khách tham quan chuồng trại. Sử dụng quần áo bảo hộ riêng cho khu vực chăn nuôi, diệt chuột và côn trùng gây hại. Cung cấp nước sạch cho lợn; không cho lợn ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín…
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn thú y cơ sở, hộ chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống truyền thanh của xã, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nhận thức của người dân và cộng đồng về dịch bệnh trên đàn gia súc đã được nâng lên.
Quang Sơn