Bắc Kạn là một tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính dân số của tỉnh năm 2023 là 326.504 người, trong đó 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo đảm kịp thời và đúng quy định.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, năm nay tỉnh Bắc Kạn đã bố trí nguồn vốn hơn 810 tỷ đồng. 

Trong đó vốn đầu tư trên 416 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 396 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt 21,99%, vốn sự nghiệp đạt 1,91%.

Chương trình đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện phấn đấu vươn lên phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi.

dao tao nghe.jpeg
Lớp đào tạo nghề cho người dân huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn 

Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Chương trình. Nội dung này đang được tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và đạt được hiệu quả cao.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn thực hiện đầu tư, xây dựng 249 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó có 114 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình cấp điện, 71 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình lớp học, 43 công trình thủy lợi, 8 công trình khác, 7 công trình đường giao thông liên xã và thực hiện duy tu bảo dưỡng 91 công trình trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng nguồn vốn được giao 150.823 triệu đồng.

Đến nay, tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 97,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 98,5% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95,4%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 96,3%...

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 (giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 22,22%, số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 18.235 hộ, giảm 2.046 hộ).

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn quyết tâm giải quyết việc làm cho 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 

Địa phương này cũng đặt mục tiêu tối thiểu 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai 7 dự án với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng, trong đó có dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Để triển khai thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan liên quan phát triển đa dạng hình thức giao dịch việc làm, tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động, nhất là lao động nghèo có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình, từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thậm chí, địa phương cũng có chính sách hỗ trợ gạo, tiền, miễn giảm học phí; trao học bổng, tặng quà cho học sinh, sinh viên DTTS vượt khó, học giỏi; xét cử tuyển, dự bị đại học, nội trú; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở  vùng có đông đồng bào DTTS.

Với những chính sách đồng bộ, giải quyết đúng, trúng nhu cầu của người dân cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn, đời sống vùng đồng bào DTTS ở nơi đây ngày càng được nâng lên. 

Văn Điệp và nhóm PV, BTV