Tại Hợp tác xã Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nhờ sớm khai thác các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mà sản phẩm quần áo, gối thổ cẩm, thảo dược... đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, với mục tiêu mở rộng thị trường, hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số để giới thiệu các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Song trước đây, kiến thức này còn rất mới với chị em phụ nữ DTTS, do đó việc ứng dụng còn lúng túng.
Vì vậy, khi được tham gia lớp tập huấn, chị em đã có thêm kiến thức về cách xây dựng gian hàng thương mại điện tử, lập fanpage bán hàng, áp dụng vào phát triển sản phẩm của Hợp tác xã, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế.
Xu thế tất yếu
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được tỉnh Bắc Kạn xác định là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, dịch vụ xã hội. Từ đó, chị em có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề và cơ hội tự phát triển bản thân…
Tuy nhiên, với một tỉnh vùng cao, địa bàn rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, sản xuất cũng như sinh hoạt đoàn thể còn nhiều hạn chế.
Trước thực tế đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng DTTS &MN chủ động tìm hiểu, học tập và thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành, nghề...
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ DTTS như: sử dụng Facebook cho hội viên thúc đẩy hoạt động kinh doanh; hỗ trợ thiết lập xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến; kết nối, tư vấn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và kỹ năng livestream bán hàng cho hội viên, phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp... Từ đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ là người DTTS.
Bên cạnh việc mở lớp tập huấn, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức các phiên chợ kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm truyền thống đặc trưng của đồng bào DTTS&MN; phát huy vai trò của phụ nữ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" tham gia khởi nghiệp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh.
Hội cũng tăng cường vận động, hỗ trợ tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp... thông qua các hoạt động giúp chị em phụ nữ DTTS tiếp cận thông tin chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Giai đoạn 2022-2025, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Trong đó hỗ trợ các HTX do phụ nữ làm chủ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và kết nối, tư vấn hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường mạng Internet nhằm giới thiệu thương hiệu của sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội là một trong hai khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 lựa chọn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc tổ chức các hoạt động Hội.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội phát động và tham gia Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” năm 2024, có 21 sản phẩm tham gia dự thi. Ban Tổ chức lựa chọn được 5 sản phẩm dự thi cấp Trung ương; kết quả có 1 sản phẩm đã được lựa chọn vào vòng chung kết. Ngoài ra, đã tuyên truyền chuyển đổi số cho 452 hội viên và người dân tham gia.