Theo Cổng thông tin Bắc Kạn, tỉnh này vừa tổ chức hội thảo "An toàn thông tin mạng và sơ kết đánh giá tình hình triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước, UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2017".

Tại hội thảo, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, công tác đảm bảo An toàn thông tin mạng (ATTT) trong xây dựng Chính quyền điện tử đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, tỉnh đã ban hành những văn bản làm nền tảng, cơ sở pháp lý để chỉ đạo triển khai các nội dung như: xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn, Quy chế về quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng, văn bản quy định về việc trao đổi văn bản điện tử...

Tỉnh đã triển khai nhiều ứng dụng dùng chung đến cả 3 cấp chính quyền như phần mềm quản lý văn bản và hô sơ công việc, thư điện tử công vụ của tỉnh, hệ thống "Một cửa", "Một cửa liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Đối với công tác đảm bảo An toàn thông tin, tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng phần cứng, phần mềm về an toàn, bảo mật cho hệ thống trung tâm tích hợp dữ liệu; thành lập Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh; bổ sung chức năng nhiệm vụ điều phối hoạt động ứng cứu sự cố, an toàn thông tin của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh; chỉ đạo việc xây dựng hệ thống phương án ứng phó sự cố an toàn thông tin; triển khai ứng dụng chứng thư số chuyên dùng cho tất cả các cơ quan nhà nước, UBMTTQ và các đoàn thể các cấp của tỉnh.

Kết thúc giai đoạn 1 (giai đoạn 2015-2017), Sở TT&TT đã cấp được 1.028 chứng thư số chuyên dùng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; đã tích hợp ký số và xác thực chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và trên hệ thống email công vụ của tỉnh.

Hiện tại, 100% văn bản luân chuyển giữa các sở, ban, ngành, thành phố đều được gửi bản điện tử có gắn kèm chữ ký số chuyên dùng. Trong đó có khoảng 60% văn bản đã gửi hoàn toàn bằng bản điện tử.

Việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước; tăng tính công khai, minh bạch, kiểm soát lẫn nhau giữa các đơn vị.

Việc sử dụng chứng thư số chuyên dùng được cấp cho các giao dịch điện tử khác như: kê khai thuế qua mạng, bảo hiểm xã hội qua mạng thay cho việc phải sử dụng các chứng thư số công cộng giúp các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh thuận tiện và tiết kiệm được thời gian, kinh phí.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có các báo cáo tham luận và thảo luận nhằm đánh giá về kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra phương hướng giải pháp khắc phục nhằm ứng dụng hiệu quả hơn chữ ký số chuyên dùng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh việc thảo luận các vấn đề liên đến ứng dụng chữ ký số, tại hội thảo, đại điện Cục An toàn thông tin phổ biến những nội dung cơ bản của Nghị định 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ”.

Đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng triển khai những quy định và nội dung công việc các đơn vị cần quan tâm triển khai trong Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia và Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc.

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã ghi nhận được nhiều nhận định, đánh giá và ý kiến góp ý quan trọng nhằm triển khai ứng dụng CNTT và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng giai đoạn sau được hiệu quả hơn; đồng thời, qua Hội thảo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ hơn nhiệm vụ của mỗi đơn vị để công tác đảm bảo an toàn thông tin được thực hiện tốt ngay từ cơ sở.