Toàn tỉnh Bắc Giang có 480.273 trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số; trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 3.742 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 41.717 em; cả 2 nhóm trẻ em này chiếm gần 10% tổng số trẻ em toàn tỉnh.

Đây là nhóm trẻ em yếu thế, rất nhạy cảm, dễ bị sao nhãng, bỏ mặc, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, dễ xảy ra bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, lao động sớm... rất cần được quan tâm chăm sóc để giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định.

Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BVCSTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; ban hành các văn bản và triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em; từ 2020-2022, Sở Lao động - TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 văn bản (01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 09 Kế hoạch, 02 Công văn) về BVCSTE, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh.

W-treem-6.png

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em được toàn tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Giai đoạn 2020-2022, Sở Lao động - TB&XH đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực BVCSTE; phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp; cộng tác viên cấp thôn, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng; cha/mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho chính trẻ em...

Hàng năm, Sở Lao động - TB&XH đều ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo các địa phương: tổ chức các cuộc rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên phạm vi toàn tỉnh; theo dõi, cập nhập dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; thường xuyên rà soát các địa điểm có nguy cơ đuối nước để có biện pháp đảm bảo an toàn. Cấp, phát tờ rơi tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, đối với các vụ đuối nước cần chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm liên quan, đề ra biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự tái diễn. Phối hợp, chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ về BVCSTE như: Mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (Diễn đàn trẻ em, Thăm dò ý kiến trẻ em, Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em). Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện công tác trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại địa phương…


 

Văn Bắc và nhóm PV, BTV