Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Nhờ các giống cây mới này, người dân tộc thiểu số nơi đây dần cải thiện về hiệu quả kinh tế.
Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Đồng thời, cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 26). Cụ thể, đối với cây trồng sinh trưởng nhanh, nhà nước sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; cây trồng sinh trưởng chậm, hỗ trợ 55 triệu đồng/ha.
Tại huyện Lục Ngạn, UBND các xã đẩy mạnh khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đất rừng được giao cho người dân đồng thời hỗ trợ cây giống thuộc loại cây lâu năm để bà con canh tác. Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 40,7 triệu cây giống lâm nghiệp các loại phục vụ nhu cầu trồng rừng, trồng cây phân tán (tăng hơn 4,8 triệu cây so với cùng kỳ năm 2023).
Sau khi các hộ dân nhận đất rừng, cây giống về chăm sóc, UBND sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bà con trong quá trình nuôi trồng. Chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy kéo dài hơn, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần rừng gỗ nhỏ. Với rừng keo gỗ nhỏ từ 6-7 năm, sản lượng chỉ có thể đạt từ 100 - 150 m3/ha, nhưng nếu kéo dài chu kỳ lên 12-13 năm có thể đạt tối đa 300 m3/ha. Thực tế tại nhiều lô rừng của công ty đã đạt mức này.
Thời gian dọn dẹp cỏ, tưới phân chăm bón được cập nhật và thông báo rộng rãi đến các bà con trong vùng. Nếu kinh doanh gỗ nhỏ, các hộ sẽ được cấp loài cây sinh trưởng nhanh như: keo lá tràm, các dòng keo lai (BV10, BV16, AH1…) và các dòng bạch đàn lai. Đối với trồng rừng gỗ lớn, nên trồng các loại keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng và một số loài cây bản địa khác như: vù hương, thanh thất...
Chuyển đổi cây trồng sang cây lâu năm, lấy gỗ giúp giảm bớt diện tích rừng trống, phủ xanh đồi trọc và là nguồn lợi kinh tế lâu dài cho bà con các xã vùng cao.
Gia đình anh Chu Văn Đức (thôn Vựa Ngoài, xã Phong Vân) được UBND trao tặng giống cây keo gỗ lớn. Đây là loài cây gỗ lớn, mọc nhanh, là cây cung cấp gỗ nguyên liệu làm giấy, gỗ dán, ván dán, gỗ xẻ, đóng đồ mộc cao cấp. Sau 7 - 8 năm, rừng keo lai có thể cho thu hoạch gỗ. Sau 15 năm, rừng keo lai có thể khai thác chọn để làm gỗ gia dụng, xây dựng.
Anh Đức cho biết: "Trước kia khu đồi nhà tôi bỏ trống, chỉ trồng một ít vải thiều. Từ khi được cấp cây giống, tôi đã trồng kín 2ha khu vực này. Với gia đình tôi, đây là tài sản để dành vô cùng giá trị. Cây lâu năm chủ yếu chăm bón, làm cỏ thời gian đầu. Khi cây trưởng thành chúng tôi sẽ nhàn hơn".
Hàng ngày vợ chồng anh nuôi ngựa, làm nông và trồng vải để duy trì kinh tế gia đình. Nhờ có cây giống trồng rừng, gia đình anh có thêm của để dành.
Ngoài mang lại hiệu quả như trên, từ năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng gỗ lớn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, qua đó mở ra triển vọng lớn để phát triển loại rừng này.
Theo Kế hoạch số 64 ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có từ 16 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 537 ha, đạt 33,2% kế hoạch năm và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 348,4 ha, đạt 12,4% kế hoạch năm. Các địa phương trồng và chuyển hóa được nhiều rừng gỗ lớn như: Lục Ngạn (305,8 ha), Lục Nam (166,7 ha), Sơn Động (295,9 ha), Yên Thế (115,9 ha)...
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hoàn thành kế hoạch, từ cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn và diện tích rừng trồng đã có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn do nhiều hộ trồng rừng có diện tích nhỏ không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ; việc duy trì chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài khiến người dân khó quay vòng vốn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu đối với nguyên liệu gỗ lớn nên thị trường tiêu thụ chủ yếu ở tỉnh ngoài, chỉ một phần nhỏ cung cấp cho cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất trong tỉnh. Do đó, việc thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ lớn trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.
Chi cục Kiểm lâm đang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về hiệu quả của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Hằng tháng đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, tích cực hỗ trợ các tập thể, cá nhân, hộ gia đình hoàn thành thủ tục để được nhận hỗ trợ.