Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Quy hoạch là những con số mục tiêu về xây dựng và phát triển công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử.

Cụ thể, đến năm 2020, trên 70% dân số sử dụng các trang thiết bị kết nối Internet (máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị cá nhân, điện thoại thông minh...) để khai thác dịch vụ công. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp khoảng 55% dịch vụ công cơ bản ở mức độ 3 và khoảng 30% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

công dân điện tử

Hầu hết học sinh trung học cơ sở có thể sử dụng các ứng dụng CNTT và khai thác Internet. Trên 80% cán bộ y tế được phổ cập sử dụng tin học.

Trên 60% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; trên 50% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chữ ký số khi tham gia giao dịch điện tử. Trên 90% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng, trên 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ CNTT đến năm 2020 đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 31% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Và đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh, thành phố phát triển về chính quyền điện tử. Trên 85% dân số sử dụng trang thiết bị kết nối Internet khai thác dịch vụ công. Trên 90% cán bộ y tế được phổ cập sử dụng tin học.

Trên 85% doanh nghiệp tham gia website thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số khi giao dịch điện tử.

Trên 95% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng. Trên 75% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng, từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô, xe máy...

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ CNTT đến năm 2030 đạt khoảng 592.300 tỷ đồng (gấp hơn 11 lần so với năm 2020), đóng góp khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Riêng về kiến trúc chính quyền điện tử, tỉnh Bắc Giang đã xác định sẽ xây dựng các ứng dụng tập trung hóa, ưu tiên các lĩnh vực gồm: xây dựng, đất đai, du lịch, giáo dục, y tế, môi trường, đầu tư, dân cư, nông – lâm nghiệp, thủy sản, xuất nhập cảnh, bảo hiểm xã hội, giao thông, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch nêu trên là 700 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 40 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 44,5 tỷ đồng, và vốn doanh nghiệp, hợp tác công tư, thuê dịch vụ là 615,5 tỷ đồng.