Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 965 tấn/ngày. Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.800 tấn. Tuy nhiên, số rác đã được thu gom chưa được xử lý triệt để, mới xử lý được khoảng 747 tấn/ngày, đạt tỷ lệ hơn 87%.
Hiện nay, hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu thực hiện theo phương pháp đốt và chôn lấp. Do đó, tỉnh Bắc Giang đang việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa các nhà máy, khu xử lý rác thải công nghệ cao vào hoạt động sẽ xử lý triệt để rác thải tồn lưu, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bắc Giang là một trong những địa phương trong cả nước sớm chú trọng đến xử lý chất thải rắn xây dựng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người dân khi triển khai dự án, công trình có chất thải xây dựng cần xử lý.
Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh chưa có các nhà máy, khu xử lý loại chất thải này nên tình trạng chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng chưa được xử lý, bị đổ tràn lan diễn ra khá phổ biến. Không chỉ vậy, việc chưa có quy định cụ thể còn gây khó khăn cho nhiều chủ đầu tư thực hiện dự án.
Theo quyết định của UBND tỉnh về Quy định một số nội dung về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh thì chủ nguồn thải chất thải rắn xây dựng cần thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng hoặc ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định. Đối với chất thải như sắt, thép, nhôm, kính, nhựa, gỗ, giấy... thì chủ đầu tư tự thanh lý cho bên thu gom tái chế; đối với chất thải là gạch vỡ, bê tông, cát, đá thì tổ chức vận chuyển đến bãi tập kết đổ thải theo quy hoạch hoặc cơ sở tái chế, cơ sở xử lý để có thể tái sử dụng cho các công trình khác; chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng theo hợp đồng ký kết giữa chủ nguồn thải chất thải rắn xây dựng và đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng.
Đặc biệt, nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; hoạt động xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp giải quyết.
Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng công an tại địa phương chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đảm bảo không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng, việc đổ thải, hoạt động của các bãi đổ thải chất thải rắn xây dựng tại các huyện, thành phố; quản lý hoạt động của các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; thu gom, xử lý nước thải đô thị đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý môi trường làng nghề; xử lý nghiêm đối với các dự án, cơ sở hoạt động không đúng quy hoạch, không có thủ tục môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu lựa chọn, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải phát sinh; không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…