Đa dạng loại hình

Nói đến dân ca Dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bắc Giang, có thể kể đến các loại hình sau:

Sình ca của dân ca dân tộc Cao Lan: là nơi người Cao Lan gửi gắm, trao nhau những tâm tư, tình cảm, tình yêu đôi lứa, hay những ước mơ, nguyện vọng của mình với thiên nhiên và thần linh,… Bên cạnh đó, Sình ca còn là kho tư liệu lịch sử phản ánh chân thực về đời sống sinh hoạt của người Cao Lan, sự đúc kết những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Về cơ bản, Sình ca Cao Lan bao gồm các thể loại: Thsăn lèn (mừng năm mới), Thsao bạo (đối giao duyên), Kên láu (hát đám cưới), Tò tan (hát đố), … 

{keywords}
Người cao tuổi Bắc Giang tham gia giao lưu hát dân ca các DTTS

Cnắng cọô của người Sán Chí: là dân ca hát đối đáp nam - nữ, nhịp điệu theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thường được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau. Tiêu biểu là: Hát ban ngày (chục cọô), còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo; Hát ban đêm (Cnắng coộ); Hát đám cưới (Chắu cọô), còn gọi là Tửu ca; Hát đổi danh (Zoóng hòô cọô) là thể loại chỉ có nam giới mới được hát…

Soọng Cô của người Sán Dìu: là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu, được đúc kết từ cuộc sống lao động, sản xuất và các sinh hoạt văn hóa thường ngày của đồng bào. Soọng cô có các thể loại: Hát đám cưới, hát giao duyên, hát mừng nhà mới, chúc tụng...

Hát Soong hao của dân tộc Nùng: đặc biệt ở chỗ điệu hát không có nhạc đệm. Cũng được chia thành nhiều hình thức hát như: Hát giao duyên, hát ví, hát đối, hát ban ngày, hát ban đêm, hát đám cưới…

Hát Then của người Tày và người Nùng: gắn liền với cây đàn tính, được chia làm hai loại, đó là: Then tâm linh (nghi lễ Then) và Then văn nghệ quần chúng.

Then tâm linh là một thể loại dân ca, mang mầu sắc tín ngưỡng như: Lễ then cầu yên (Pèng ến), lễ then giải hạn, lễ then mừng nhà mới,…

Then văn nghệ thường được diễn xướng tại các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân cư hay những cuộc thi văn hóa, văn nghệ trong khuôn khổ ngày hội văn hóa dân tộc. Then văn nghệ phát triển trong cộng đồng người Tày, Nùng ở Bắc Giang là những làn điệu ngắn, có âm hưởng vui tươi được tách ra từ nghi lễ Then, sau đó được đặt lời mới có thể cải biên, cách điệu cho phù hợp với việc trình diễn trên sân khấu.

Nội dung của những bài hát Then chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, ca ngợi công lao của Đảng, Bác Hồ, cầu mong cuộc sống bình an, mùa màng bội thu…

Giữ gìn dân ca cho muôn đời sau

Sở VHTTDL Bắc Giang và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca DTTS.

Trong đó phải kể đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ hát dân ca. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì được tổng số 49 CLB hát dân ca DTTS. Trong đó, huyện Lục Ngạn có 29 CLB, huyện Sơn Động 09 CLB, huyện Lục Nam 06 CLB, huyện Yên Thế 03 CLB và huyện Lạng Giang 02 CLB.

Hoạt động của các CLB hát dân ca không những góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

{keywords}
Biểu diễn dân ca DTTS

Sở VHTTDL tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Chương trình "Điều tra dân ca Sán Dìu tỉnh Bắc Giang", thu thập được 2.203 bài hát dân ca Sán Dìu và tiến hành nghiên cứu sinh hoạt hát dân ca trong cộng đồng người Sán Dìu trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức sưu tầm được 68 hiện vật, bộ hiện vật về đời sống, văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Những hiện vật này được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa các DTTS nói chung, di sản dân ca nói riêng.

Nhà hát Chèo Bắc Giang sưu tầm, luyện tập các làn điệu hát Then, đàn tính, các điệu múa truyền thống của dân tộc Tày, tiêu biểu là điệu múa Then Cha, Then Mẹ, bài hát Then - đàn tính “Trăng soi đường Bác”,… để đưa vào các chương trình biểu diễn.

Bên cạnh đó, công tác truyền dạy dân ca các DTTS cũng được tổ chức thường xuyên. Chẳng hạn, năm 2016, thực hiện Chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Cao Lan", mở lớp truyền dạy kỹ năng hát dân ca Cao Lan trên địa bàn xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn; định kỳ hàng năm tổ chức lớp truyền dạy hát Then, đàn tính cho các học viên là các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn tỉnh...

Sở VHTTDL Bắc Giang đã chỉ đạo việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Kết quả, đã có 04 di sản của tỉnh được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn), Nghi lễ Then của người Tày, Nùng tỉnh Bắc Giang.

Có 10 cá nhân là người DTTS được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 09 nghệ nhân nắm giữ loại hình di sản dân ca dân tộc thiểu số.

Về công tác nghiên cứu, xuất bản, Sở VHTTDL tỉnh đã chỉ đạo biên soạn, phát hành cuốn sách "Nghệ nhân ưu tú" (2 tập), giới thiệu về nhiều nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 09 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số nắm giữ loại hình di sản dân ca. 

Hồng Liên
Ảnh: Hoàng Hiệp

 Ảnh 360 - Dân tộc Sán Chay (Cao Lan)