Nhiều doanh nghiệp dệt may ở Bắc Giang đã ký được đơn hàng đến hết tháng 6 năm nay. 

Cụ thể, Tổng Công ty may Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang) đã bắt nhịp với tình hình sản xuất mới, đồng thời tuyển thêm lao động, phát động thi đua sản xuất, tăng giờ làm và nhập nguồn nguyên liệu với số lượng lớn dự trữ trong kho nhằm tăng năng suất lao động, đáp ứng đủ số lượng đơn hàng xuất khẩu.

Quý I, Tổng công ty đã xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt kim ngạch  5 triệu USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty hiện đã ký đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6/2021. 

Mục tiêu năm 2021 của Tổng công ty là tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2019 để bù lại chỗ thiếu hụt năm 2020 (giảm 50% doanh thu). 

{keywords}
Sản xuất tại công ty may Sơn Đông- Bắc Giang (ảnh: Băng Dương)

Tương tự, tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên), đơn hàng xuất khẩu giảm song hoạt động sản xuất vẫn duy trì ổn định do có nguồn nguyên liệu dự trữ sẵn.

Từ đầu năm đến nay, công ty tập trung sản xuất, tốc độ tăng trưởng mạnh và hướng chính vào thị trường Mỹ, các nước EU. Quý I, công ty xuất khẩu đạt hơn 50 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu năm 2021 là xuất khẩu đạt hơn 300 triệu USD, mở rộng đối tác ở các quốc gia mới để sẵn sàng thích ứng với tình hình dịch bệnh, chủ động trong kinh doanh.

Toàn tỉnh có khoảng 130 DN may. Các đơn vị này đang phục hồi trở lại do tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới từng bước được kiểm soát. Đây là nhóm hàng có tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày trong 3 tháng đầu năm của Bắc Giang tăng 85,68 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là hàng dệt may.

Thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, các nước EU, Hồng Kông, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ… Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong tháng 4 và quý II, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục tăng.

 Thúy Hòa