Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương; hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn tiếp tục được cải thiện theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập người dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm; vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực; an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ vững.
Trên địa bàn xuất hiện những mô hình sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa tập trung; giá trị sản xuất đạt 135 triệu đồng/ha; toàn tỉnh có 55 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, toàn tỉnh đã bố trí 1.397 điểm tập kết rác thải, 163 trong số 184 xã được đầu tư các khu xử lý quy mô, huyện, xã và cụm. Một số huyện như Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang đã phát động và xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải làm phân hữu cơ, tái chế rác thải thành xe đạp, làn, xô…hỗ trợ học sinh, hội viên phụ nữ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch; có 136/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 74,7% tổng số xã. Có thêm 34 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 179 thôn.
Bình quân số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,0 tiêu chí/xã. Các xã Quang Thịnh, Tân Hưng, Nghĩa Hòa và Đại Lâm (huyện Lạng Giang); các xã Yên Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vũ Xá (huyện Lục Nam) đã trình hồ sơ đề nghị cấp tỉnh thẩm định các tiêu chí theo quy định. Các xã Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Tư Mại (huyện Yên Dũng) đã được huyện thẩm tra các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh thẩm định đầu tháng 11/2022.
Những thành quả này là nhờ tỉnh Bắc Giang đã và đang xây dựng NTM qua việc đi bằng "hai chân". Nghĩa là địa phương nào chưa về đích sẽ phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất, địa phương nào đã về đích sẽ chuyển sang làm NTM nâng cao, kiểu mẫu". Ðể thực hiện được điều này, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Năm 2022 là năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, trong khi chờ các bộ, ngành Trung ương ban hành hướng dẫn; Sở NN& PTNT và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí và văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí để các địa phương chủ động rà soát, thực hiện.
Cụ thể, các địa phương đã tập trung thực hiện xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình; chỉ đạo các xã rà soát đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí; phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, tỉnh giao...
Bên cạnh đó, các huyện cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ các xã thực hiện năm 2022 như: Huyện Lục Nam hỗ trợ 2,5-3 tỷ đồng/xã nông thôn mới, 2 tỷ đồng/xã nâng cao; huyện Lục Ngạn hỗ trợ 2,5-3 tỷ/xã nông thôn mới, 2 tỷ đồng/xã nâng cao; huyện Lạng Giang, Yên Dũng hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã nâng cao; Hiệp Hòa hỗ trợ 4- 5 tỷ đồng/xã nâng cao.Theo dự kiến hết năm 2022, tỉnh Bắc Giang sẽ có 145/182 xã đạt chuẩn, chiếm 79,7%, trong đó có 41 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 239 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,1 tiêu chí/xã.
Sang năm 2023, Bắc Giang sẽ phấn đấu có thêm huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 17 xã nông thôn mới nâng cao và thêm 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Yến Hưng