Tại huyện vùng cao Sơn Động, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 82,67% với độ che phủ trên 71,8%, trong đó chủ yếu là Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và rừng nguyên sinh Khe Rỗ.
Sau sáp nhập địa giới hành chính, trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn với 31 dân tộc cùng chung sống trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%. Với thế mạnh từ rừng, Sơn Động đưa ra định hướng phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo tồn và phát triển rừng. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới của huyện Sơn Động mang đặc thù của một huyện vùng cao.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đến nay trên địa bàn huyện có 2 xã về đích nông thôn mới, 2 xã hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới. Trong các chỉ tiêu đề ra, địa phương xác định đảm bảo an ninh trật tự là tiêu chí quan trọng để về đích xây dựng nông thôn mới.
Theo Thượng tá Đàm Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Sơn Động, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí về an ninh trật tự, Công an huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
Ngoài ra, lực lượng công an các xã, thị trấn đã xây dựng và duy trì hoạt động của 248 mô hình, trong đó có 3 mô hình liên kết, 245 mô hình tự quản và 240 tổ chức quần chúng. Những mô hình này đã huy động được sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn bản.
Đặc biệt, những năm qua, Công an huyện Sơn Động đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh giữa 3 huyện: Sơn Động, Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Thông qua quy chế phối hợp đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc liên quan tới trật tự xã hội và công tác bảo vệ rừng. An ninh trật tự được đảm bảo, người dân yên tâm phát triển sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, để đảm bảo an ninh trật tự địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập 21 mô hình “Nông dân tự quản an ninh trật tự”. 5 năm qua, Hội Nông dân xã phối hợp thực hiện 12 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, huy động sự tham gia của hơn 4 nghìn lượt hội viên. Hội tích cực tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và đồng bào các dân tộc phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng.
Đại úy Vũ Trí Thùy, cán bộ Công an xã Nghĩa Phương cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng công an nhận được sự hợp tác tích cực, hiệu quả của rất nhiều người dân.
Công tác đảm bảo an ninh, trật tự được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo an ninh trật tự để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo an ninh trật tự, củng cố hệ thống chính trị luôn có mối quan hệ gắn chặt với nhau. Nhận thức đúng đắn về vấn đề đó, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh, duy trì và nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự.
Nhờ đó, các mô hình, tổ chức quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tư luôn nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận, tích cực tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự ở khu vực nông thôn, phục vụ có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 145/182 xã về đích nông thôn mới (đạt 79,6%), 43/145 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 41 mô hình an ninh trật tự với 6.968 điểm mô hình nhân rộng.
Các mô hình thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều mô hình, tổ chức quần chúng được Bộ Công an biểu dương, thông báo, phổ biến nhân rộng toàn quốc như: Mô hình “Cựu công an xã tham gia bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh” trên địa bàn xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động; Mô hình “Đội An ninh cơ động” thôn Bắc Am, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng…
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự không chỉ triển khai mạnh mẽ tại địa bàn dân cư, mà còn tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong toàn tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt đã có sự đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện, khuyến khích người dân lan tỏa những thông tin tích cực, tạo môi trường mạng an toàn, tin cậy, không để thông tin giả, xấu độc tràn lan gây xôn xao dư luận.
Đây những là yếu tố quan trọng, tạo thêm sức mạnh góp phần phòng chống có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, cũng chính là người dân ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn từ thành quả xây dựng nông thôn mới.