Bắc Giang là tỉnh miền núi có 9 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Dân số toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay trên 1,8 triệu người, trong đó số người dân tộc thiểu số chiếm 14,26% tổng dân số. Toàn tỉnh hiện có 45 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó 6 thành phần dân tộc thiểu số chủ yếu chiếm số đông là: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay, Dao.
Hiện nay, diện mạo vùng dân tộc thiêu số và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực, chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục và đào tạo được nâng lên; đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 5,2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm; số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 40 xã (giai đoạn 2016 - 2020) xuống còn 28 xã (giai đoạn 2021 - 2025), số thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 407 thôn (giai đoạn 2016 - 2020) xuống còn 244 thôn (giai đoạn 2021 - 2025).
Có được kết quả này một phần không nhỏ là công sức của đội ngũ người có uy tín của tỉnh. Thời gian qua, họ đã nỗ lực hoạt động, phát huy sự ảnh hưởng, thể hiện tốt vai trò, hiệu quả hoạt động và là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội trong việc phối hợp bảo đảm an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền, vận động Nhân dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Trong 10 năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức và tham gia trên 4.200 cuộc vận động, tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở. Qua đó, đã vận động các hộ dân hiến trên 526.000 m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa, công trình điện lưới; hòa giải được hàng trăm hộ tranh chấp đất lâm, nông nghiệp; vận động, hòa giải trên 200 vụ bạo lực gia đình; trên 1.100 lần hòa giải các tranh chấp cá nhân, không để dẫn tới khiếu kiện vượt cấp…
Nhiều người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang có mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho gia đình và là mô hình mẫu cho người dân trong cộng đồng học tập, làm theo. Điển hình tại huyện Lục Ngạn có ông Hà Trung Thành – người có uy tín thôn Hòa Quảng (xã Tân Mộc) đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng có múi ở địa phương, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm; ông Lý Quang Trưởng – người có uy tín thôn Nũn (xã Phong Minh) phát triển chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, ngựa cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm; ông Thăng Văn Báo – người có uy tín thôn Muối (xã Giáp Sơn), trồng cây vải thiều hữu cơ xuất khẩu Nhật theo tiêu chuẩn cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm…
Nhằm cụ thể hoá chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín theo đúng kế hoạch. Phối hợp tổ chức 6 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng nắm bắt dư luận, kỹ năng tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho hàng ngàn lượt Người có uy tín trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc với 110 Người có uy tín trên địa bàn các huyện. Tổ chức các đoàn đưa Người có uy tín huyện Lục Nam đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Cao Bằng; tổ chức chu đáo việc đưa 2 Người uy tín tiêu biểu tham gia Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Bắc Giang viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp mặt, báo công với Chủ tịch nước; tổ chức biểu dương, khen thưởng 42 Người có uy tín tiêu biểu trong năm 2021.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay, tới đây, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là một trong những lực lượng chủ công trong công tác tuyên truyền, vận động, chung tay cùng cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đảm bảo Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống, vì lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết, Ban Dân vận Tỉnh ủy vừa ra mắt Tổ Dân vận nòng cốt trong vùng đồng bào DTTS với 80 thành viên. Tổ có nhiệm vụ giúp Ban Dân vận Tỉnh ủy nắm, báo cáo tình hình nhân dân; tham mưu biện pháp xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh, phức tạp trong vùng đồng bào DTTS.
Nguyễn Thảo, Thu Hà, Quốc Tiến