Theo Tech Node, công tác xây dựng đang được tiến hành tại Elmina Business Park, bang Selangor, Malaysia. Khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Google Cloud, cải tiến AI, cũng như các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số khác tại Malaysia.
Google tuyên bố khoản đầu tư này ước tính sẽ đóng góp cho GDP hơn 3,2 tỷ USD, tác động tích cực đến nền kinh tế và dự kiến tạo ra 26.500 việc làm vào năm 2030.
Ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính kỹ thuật
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Malaysia thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu là các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính.
Malaysia miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 10 năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm trung tâm dữ liệu, theo quy định của Đạo luật Thuế thu nhập (Income Tax Act 1967).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ chương trình Investment Tax Allowance (ITA), cho phép khấu trừ thuế tới 60% tổng số tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị và phần mềm cần thiết cho trung tâm dữ liệu.
Đây là một ưu điểm quan trọng vì chi phí trang thiết bị cho trung tâm dữ liệu, đặc biệt là máy chủ, rất cao và thường phải nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Nhờ đó, các nhà đầu tư có thể tiết kiệm được khoản chi phí lớn khi đầu tư vào Malaysia so với các thị trường khác.
Malaysia cũng cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính thông qua các cơ quan như Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) và Cơ quan Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC).
Những cơ quan này giúp xúc tiến đầu tư bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Quỹ Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEF) là một trong những chương trình điển hình, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu.
Chẳng hạn, Smart Automation Grant là một chương trình cung cấp tài trợ tới 1 triệu MYR (khoảng 250.000 USD) cho các doanh nghiệp đầu tư vào tự động hóa và công nghệ số.
Các chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mà không phải chịu áp lực tài chính lớn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham gia vào lĩnh vực này.
Hành lang pháp lý
Một yếu tố quan trọng khác giúp Malaysia trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn là quy định pháp lý bảo vệ dữ liệu rõ ràng và ổn định. Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (Personal Data Protection Act 2010 - PDPA) của Malaysia quy định chặt chẽ về quyền riêng tư và quản lý dữ liệu cá nhân.
Điều này tạo ra môi trường an toàn cho các công ty quốc tế, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn như Google hay Amazon, nơi mà bảo mật dữ liệu người dùng là yếu tố sống còn.
PDPA quy định các tổ chức phải tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu cá nhân.
Những quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo sự tin tưởng cho các công ty nước ngoài trong việc bảo vệ dữ liệu của họ.
PDPA cũng yêu cầu các công ty phải đảm bảo an ninh dữ liệu thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và vật lý để ngăn chặn truy cập trái phép, mất mát hoặc phá hủy dữ liệu.
Bên cạnh PDPA, Malaysia cũng tham gia vào nhiều liên minh và cam kết quốc tế về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, bao gồm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các chương trình hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Điều này tạo ra một khung pháp lý quốc tế chặt chẽ, đảm bảo rằng các trung tâm dữ liệu đặt tại Malaysia sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất.
Ngoài ra, Malaysia đã đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu xanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và bền vững.
Điều này phù hợp với yêu cầu của các công ty lớn như Google, vốn đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các trung tâm dữ liệu của mình.
Nhân lực và hạ tầng công nghệ số
Theo dữ liệu tính đến năm 2023 từ Cục Thống kê Malaysia, nước này có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) cao, chiếm khoảng 69,6% tổng dân số, trong khi tỷ lệ dân số già (trên 64 tuổi) chỉ là 7,4%.
Mặc dù tỷ lệ sinh đang giảm, song khoảng 23% dân số nước này vẫn là dân số trẻ (0-14 tuổi).
Cơ cấu này cho thấy Malaysia đang giai đoạn vàng của lực lượng lao động, cơ cấu dân số trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu công nghệ mới.
Một trong những trọng tâm chính của chính phủ Malaysia là đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số.
Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng số cho người lao động, thông qua các sáng kiến như Nền kinh tế số Malaysia (MDEC) và Quỹ phát triển nguồn nhân lực (HRDF).
Các chương trình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho người lao động mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong việc chuyển đổi số.
Malaysia đã đầu tư mạnh vào giáo dục các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), cung cấp các chương trình đào tạo về kỹ thuật số và công nghệ thông tin trong hệ thống đại học và cao đẳng.
Điều này giúp cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng phục vụ cho phát triển công nghệ và số hóa.
Ngoài ra, Chương trình MyDigital của chính phủ Malaysia đặt mục tiêu đưa kỹ năng số trở thành yếu tố cốt lõi trong giáo dục và đào tạo quốc gia.
Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, 50% lực lượng lao động sẽ được trang bị kỹ năng số cơ bản, và 30% số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
Nhờ vào chính sách ưu đãi thuế, hạ tầng pháp lý bảo mật, cùng với sự phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật số, Malaysia đã xây dựng thành công môi trường hấp dẫn cho các "đại bàng" công nghệ đến đầu tư.
Khoản đầu tư từ Google không chỉ khẳng định vị thế của Malaysia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu, mà còn hứa hẹn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia này.
(Theo CNBC, ekonomi, News Microsoft)