Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty FPT IS (Nguồn ảnh: Chungta.vn) |
Trong giai đoạn phát triển mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định và quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) là đơn vị chủ lực của FPT trong triển khai các dự án về Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam. ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ FPT IS xung quanh câu chuyện chuyển đổi số trong khối cơ quan nhà nước, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam:
Từ thực tế cung cấp dịch vụ của FPT IS cho các bộ, ngành, địa phương, theo đánh giá của ông, hiện Việt Nam đang ở bước nào, giai đoạn nào của quá trình xây dựng Chính phủ số?
Năm 2016, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Trong báo cáo năm 2018, Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc về phát triển CPĐT, đứng thứ 88, trong đó chỉ số phát triển nguồn nhân lực tăng 7 bậc, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, chỉ số hạ tầng viễn thông giảm 10 bậc. Bước phát triển đáng mừng của dịch vụ công trực tuyến thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cơ quan nhà nước trong 2 năm qua được xã hội và quốc tế ghi nhận.
Trong dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” có đưa ra các mục tiêu cho tương lai trong đó có, với giai đoạn 2018 - 2020, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng hồ sơ đạt từ 30% trở lên; tăng tối thiểu 20% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; còn với giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu chiếu theo Mô hình về mức độ hoàn thiện của Chính phủ số của Gartner - phiên bản 2.0 thì chúng ta đang quá độ từ giai đoạn 1 qua giai đoạn 2:
Mô hình về mức độ hoàn thiện của Chính phủ số của Gartner phiên bản 2.0. |
Liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương đang là vướng mắc lớn. Chuyên gia FPT nhận định gì về vấn đề này và tương lai câu chuyện liên thông dữ liệu, thống nhất định danh cá nhân giữa các cơ quan nhà nước tại Việt Nam sẽ ra sao?
Cũng trong dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”, việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm, các hệ thống dữ liệu còn cục bộ, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai còn chưa đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm được triển khai; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến nhiều số liệu không thống nhất; thiếu khung pháp lý…
Như tôi đã nêu ở trên, theo quan điểm của chúng tôi nếu chiếu theo Mô hình về mức độ hoàn thiện Chính phủ số của Gartner - phiên bản 2.0 thì chúng ta đang quá độ từ giai đoạn 1 qua giai đoạn 2 mà trong đó Dữ liệu đóng vai trò quan trọng bao gồm cả thể chế, khả năng tích hợp/ chia sẻ dữ liệu và các tập dữ liệu mở chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp.
Tham gia từ giai đoạn đầu chuẩn bị cho việc thành lập và sau đó tham gia chính thức Ủy ban Quốc gia về CPĐT, FPT nhận thấy sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, của các thành viên Ủy ban lan tỏa đến các thành viên Tổ công tác trong việc đặt độ ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và thực hiện thay đổi để việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng CSDL quốc gia và dữ liệu mở được sớm thực hiện đúng với mục tiêu của CPĐT hướng tới Chính phủ số cho một nền Kinh tế số, Xã hội số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Riêng về định danh bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ định danh như sinh trắc học, mobile, trong chỉ tiêu của bản dự thảo Nghị quyết cũng đã nêu rõ, trong giai đoạn 2018-2020, sẽ có 10% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh diện tử thông suốt (giai đoạn 2020-2025 sẽ là 40%). Điều đó có nghĩa là trong 2 năm chúng ta có thể hy vọng hàng triệu người dân và doanh nghiệp có thể dùng xác thực điện tử trong các giao dịch CPĐT.
Vậy trong chặng đường mới của quá trình xây dựng CPĐT tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương nên quan tâm hơn cả đến những vấn đề, công việc gì, thưa ông?
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi nhìn nhận thấy có 3 xu hướng chuyển đổi số đang đồng thời diễn ra ở Việt Nam, đó là: Chính phủ điện tử sang Chính phủ số cho một xã hội số, nền kinh tế số; Thành phố, thành phố kết nối sang Thành phố thông minh; Công nghiệp sang Công nghiệp thông minh hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 như cách gọi của nước Đức (Industry 4.0). Cả ba cuộc chuyển đổi số lớn này đều hướng đến lấy doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa làm trung tâm cũng như sự tham gia của doanh nghiệp vào cung cấp dịch vụ, giải pháp mới, được số hóa trong một chuỗi giá trị mới.
Chúng tôi kiến nghị các địa phương, bộ, ngành nên có một sự đầu tư, quan tâm đúng mức để kết hợp hài hòa, tổng thể và hiệu quả nhất 3 cơ hội chuyển đổi số này trong địa phương, bộ, ngành mình cũng như trong một chiến lược tổng thể liên quan đến các địa phương, bộ ngành khác với sự tham gia và lấy làm trung tâm của người dân và doanh nghiệp.
Chúng tôi với vai trò thành viên Ủy ban quốc gia, Tổ công tác, Tổ chuyên gia và doanh nghiệp tham gia vào công cuộc xây dựng CPĐT trong thời kỳ mới này rất mong muốn các địa phương, bộ, ngành ủng hộ tích cực (bao gồm cả phản biện mang tính xây dựng) và tham gia cùng Ủy ban, Tổ công tác, các doanh nghiệp trong quá trình khảo sát, xây dựng kiến trúc/thiết kế, triển khai, vận hành và tối ưu các hệ thống thuộc CPĐT. Thiếu sự ủng hộ và tham gia tích cực này chương trình CPĐT trong thời kỳ mới sẽ gặp nhiều khó khăn và không tối đa hóa được kết quả thu được, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và nhất là sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp mới đầy thách thức và cơ hội lớn chưa từng có này.
Xin cảm ơn ông!