Sau gần một tuần xét xử và nghị án, chiều 8/7, TAND TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), Hoàng Ngọc Phượng Trân (em ruột của Trang) và 37 đồng phạm.
Theo HĐXX, căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại tòa, đủ cơ sở kết luận bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang, Hoàng Ngọc Phượng Trân, Ngô Thị Bích Thủy và các bị cáo đã phạm vào tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" và “Trốn thuế”.
Cũng theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trang 5 năm tù; Trân 4 năm tù; Thủy 4 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù hoặc bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1,2 tỷ đồng.
Theo truy tố, ngày 9/3/2023, khi tuần tra trên tuyến đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Mạc Trí Minh có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Minh khai đi giao hồ sơ, tài liệu giúp Trang.
Tại CQĐT, Trang khai bắt đầu mua bán hóa đơn khống từ tháng 4/2017. Để thực hiện hành vi, Trang sử dụng thông tin chứng minh nhân dân của người thân hoặc mua chứng minh nhân dân, căn cước công dân ở các tiệm cầm đồ để thành lập nhiều "công ty ma". Trang cũng mua lại những công ty lập ra nhưng không hoạt động.
Sau đó, chị ta thuê Thủy làm dịch vụ thành lập pháp nhân mới, thay đổi pháp nhân không hoạt động mua lại trước đó nhằm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, thu lợi bất chính.
Đồng thời, Trang thuê người hoặc sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả để đứng tên thành lập hàng loạt công ty “ma” tại TPHCM và Đồng Nai. Trang còn lôi kéo người thân, bạn bè, người quen vào đường dây mua bán hoá đơn và phân công nhiệm vụ, vai trò cho từng người rất chặt chẽ.
Tiếp đó, Trang lên mạng tìm khách hàng rồi chào bán hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, với mức giá thỏa thuận là 1,5-2% trên trị giá hóa đơn chưa thuế. Sau khi chốt với khách hàng, Trang đưa thông tin để Trân trực tiếp soạn thảo hợp đồng, xuất hóa đơn.
Trang cũng giao cho em gái trực tiếp quản lý con dấu các "công ty ma”, chữ ký số, mở tài khoản, quản lý tài khoản và chủ động giao dịch chuyển khoản, thanh toán…
Theo điều tra, Trang đã mua lại 21 pháp nhân, lập mới 20 pháp nhân tại TPHCM và Đồng Nai. Tất cả 41 pháp nhân này đều không hoạt động thực, chỉ sử dụng để xuất khống hóa đơn.
Các công ty “ma” của Trang đã xuất khống hơn 35.000 hóa đơn GTGT cho 6.476 cá nhân, tổ chức trên 51 tỉnh, thành phố. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT lên tới hơn 4.400 tỷ đồng.