“Ngựa ô ăn cỏ bờ hồ
Đói thời chịu đói cỏ khô không thèm...
Một mai quế gãy còn nhành,
Bình hương bể nát miếng sành còn thơm...”.
Chiếc võng tre kẽo kẹt mắc vào hai cái cột nhà, là nơi ba tôi thường nằm ngâm nga những câu ca cổ theo điệu bài chòi. Chất giọng nằng nặng của xứ nẫu Bình Định quê cha làm dịu đi từng đợt gió lào cát trắng ở xứ Thanh quê mẹ, mở ra khoảng trời bình yên trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mấy anh chị em tôi. Phải đến tận bây giờ, khi đã bước vào độ tuổi gần với ba khi ấy, tôi mới cảm nhận hết được, trong từng khoảng trời bình yên đó, là nỗi niềm khắc khoải theo ba tới tận cuối đời.
Sau khi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 21/7/1954, đất nước tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17. Đảng, Nhà nước ta có chủ trương đưa cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam ra bắc tập kết để tiếp tục học tập, công tác nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài. Ba tôi, vốn sinh ra ở Mỹ Hiệp (Bình Định) cũng có mặt trong đoàn quân tập kết với chức danh Chính trị viên đại đội. Ông rời cảng Thị Nại, Quy Nhơn ngay trong đợt đầu với tâm thế chung của tất cả những người ra đi năm đó, đi để trở về. Từng đoàn người giơ cao hai ngón tay hình chữ V để tạm biệt quê hương thay cho lời hẹn hai năm hội ngộ mà không hay biết rằng, hẹn ước bất thành. Bởi hai năm sau, tức thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956 theo Hiệp định Geneva không xảy ra do sự lật lọng của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ba tôi cùng đoàn quân tập kết cập cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, Quảng Xương (nay là thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) được bà con địa phương đón tiếp, chở che, cưu mang, đùm bọc và bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ huấn luyện theo sự phân công của tổ chức.
Sau tháng 7/1956, ba tôi được điều động trở về miền nam, nhưng trên đường đi gặp phục kích. Ông bị thương nặng phải quay ra Thanh Hóa.
Đợi vết thương bình phục, đầu năm 1958, ba tôi lại vào miền nam lần thứ hai. Lần này, khi đến Huế thì lộ và bị địch vây bắt. Ông cùng vài đồng chí nữa phải chạy vào rừng. Sau nhiều tháng vừa băng rừng, vừa lẩn trốn vòng vây của kẻ thù, thì bằng một cách thần kỳ nào đó, ba tôi đã thoát chết chạy ra tới Quảng Bình với cơ thể đầy những vết thương mưng mủ vì nhiễm trùng và co giật bởi sốt rét. Ông được đưa về đơn vị cũ ở Thanh Hóa, vừa chữa trị vừa đợi phân công công tác mới trong vòng nửa năm. Thời gian này, ba gặp mẹ tôi.
Sau 2 lần trở về nam không thành, trên người đầy thương tích, lại xót xa mẹ tôi là người phụ nữ chạy trốn khỏi cuộc ép bán cho một gia đình địa chủ phong kiến, ba đã quyết định xin phép tổ chức được kết hôn với mẹ. Năm 1959, ba mẹ tôi làm đám cưới và năm 1960, anh cả của tôi ra đời.
Điều trị, an dưỡng xong, ba được điều động về làm cán bộ quản lý ở Nông trường Yên Mỹ, Nông Cống. Ở đó, ông vừa làm vừa tiếp tục học bổ túc. Sau 3 năm miệt mài xách đèn dầu đi học ban đêm, ông tốt nghiệp phổ thông trung học hệ 10/10 và được điều về Nhà máy gạch ngói Quảng Yên, Quảng Xương. Đến năm 1970, ông được phân công làm cán bộ Ty Kiến trúc của tỉnh nhưng chỉ cuối năm đã làm đơn xin nghỉ hưu khi mới 51 tuổi vì bất đồng với cung cách quản lý của lãnh đạo trực tiếp. Sang năm 1971, Ty Kiến trúc mời ba tôi quay trở lại công tác nhưng ông kiên quyết từ chối.
Những đêm sáng trăng, khi cả nhà đã ngủ say, tôi lén dậy, rón rén ra góc hè ngồi nhìn ba tập võ. Giữa khoảng sân rộng, dưới ánh sáng mờ ảo, bóng của ba trải dài trên nền đất. Mỗi động tác của ông vừa uyển chuyển, vừa dứt khoát, trong cương có nhu, trong nhu có cương. Thi thoảng, cây trường côn trong tay ông vạch những đường cong mạnh mẽ vào không trung tạo nên âm thanh “vút! vút!”. Dù đêm tối, tôi vẫn như thấy được khuôn mặt góc cạnh và ánh mắt cương nghị của ông. Sau này, khi tôi lớn thêm một chút, ba mới giải thích cặn kẽ cho tôi về nét độc đáo của côn pháp Bình Định, đó là tính thực chiến. Không hoa mỹ, không hình thức, kỹ thuật sử dụng không quá phức tạp nhưng hiệu quả chiến đấu cao. Một đòn roi đánh đúng kỹ thuật luôn mang tính sát thương cực lớn. Rồi ba trầm ngâm: “Học võ là học làm người. Con nhà võ phải cương trực, thẳng thắn, sống có lý tưởng và đạo đức. Ba thà làm nông dân chứ không làm việc chung với những người không cùng chí hướng”. Tôi vâng lời và ghi nhớ mãi.
Với đồng lương cấp dưỡng ít ỏi của mẹ và chút lương hưu của ba, gia đình bảy người chúng tôi sống vô cùng chật vật. Không cam tâm nhìn cảnh vợ con khốn khó, ba làm việc quần quật suốt ngày với đủ mọi nghề: làm ruộng, làm mộc, nuôi lợn, làm vườn,... Bản tính cần cù, ham tìm tòi, học hỏi, ba biến khu vườn nhà chúng tôi thành một nông trường thực thụ: 4 cây dừa và 4 cây vú sữa được trồng ở 4 góc vườn để nhớ tới miền nam; một góc thì trồng thử khoai tây được ba đạp xe đi lấy giống về từ tận nông trường Yên Mỹ; vài luống thì trồng mía Kim Tân, loại mía ngọt nổi tiếng của vùng Thạch Thành; rồi nào thì cà chua, su hào, bắp cải, rau thơm, mùa nào thức nấy; ở góc vườn lại đào thêm một cái ao con con để lấy nước tưới rau. Nhiệm vụ chính của mấy anh chị em tôi ngoài giờ học đó là chia nhau nấu cơm, quét sân, tưới rau, thái chuối, nấu cám lợn… Chỉ chừng ấy việc thôi nhưng thi thoảng vẫn có đứa ăn đòn vì mải chơi quên việc.
Một ngày tháng 2/1975, ba tôi đi họp về rất muộn. Thấy cơm sống, cám lợn chưa nấu, sân chưa quét nhưng ba không mắng đứa nào cả. Ông vào bếp đắp thêm rơm lên nồi để đốt cho chín cơm rồi kho miếng thịt lợn mua trên đường đi họp về. Lúc ăn cơm, ba lấy rượu ra uống, ánh mắt long lanh và giọng nói thì đầy phấn khởi: “Ta sắp tổng tiến công, miền nam sắp được giải phóng rồi!”. Sau đó, ba khoe một hộp pin đại con thỏ loại 10 viên chỉ ưu tiên bán cho cán bộ tập kết. Ba bảo rằng mua pin dự phòng cho cái radio cũ chuyên dành để nghe tin thời sự và tình hình chiến trường.
Những ngày sau đó, đúng 6 giờ tối, bạn bè của ba sẽ tập trung ở nhà tôi để nghe đài. Cứ mỗi tỉnh được giải phóng là ba và các bác lại uống rượu chúc mừng. Ngày 31/3/1975, Bình Định được giải phóng, nhà tôi tổ chức liên hoan. Ba bảo mẹ làm thịt con gà to nhất vườn rồi mời các bạn tập kết đến uống rượu. Nhìn những người lớn cứ ôm nhau khóc khiến đứa trẻ 12 tuổi là tôi khi đó cũng chỉ biết khóc theo chứ chưa hiểu được rằng, họ - những cán bộ tập kết đã đợi ngày này suốt 21 năm đằng đẵng.
Rồi ngày lịch sử 30/4/1975 cũng đến. Non sông trẩy hội. Trong nhà tôi rộn rã tiếng cười, tiếng chúc mừng của bà con lối xóm. Ba vui, trẻ con chúng tôi cũng vui, chỉ có mẹ là ít nói hẳn.
Khi không khí ăn mừng lắng xuống cũng là lúc những người tập kết năm xưa giục giã nhau trở về quê cha đất tổ. Lúc này, anh chị em tôi mới biết rằng, trước khi ra bắc tập kết, gia đình của ba có 8 người: ông bà nội, ba, má cả, 4 người con chung: 2 gái, 2 trai. Ông bà nội mất không lâu sau ngày ba đi tập kết. Hai anh trai tham gia cách mạng rất sớm và đều đã hy sinh. Má cả và 2 chị gái vẫn còn sống. Năm xưa, mẹ tôi biết chuyện nhưng vì giới tuyến phân ly, vì ba tôi đã nỗ lực về nam nhưng cuối cùng vẫn đơn độc trên đất bắc, vì những cơn đau của ông do vết thương hành hạ lúc trái gió trở trời, và vì họ phải dựa vào nhau để sống, làm việc và chiến đấu cho sự nghiệp chung là thống nhất đất nước, khiến cả ba, mẹ và tổ chức của ba khi đó chỉ tính tới phương án hợp lý nhất, tốt nhất chứ không hẳn là đúng nhất.
Ba bàn với mẹ cho anh cả cùng ba về thăm quê. Mẹ lẳng lặng xếp hành lý cho hai ba con lên đường. Ba đi hơn 1 tháng. Mẹ gầy xọp. Ngày nào bà cũng tất bật từ sáng sớm tới tối khuya, lúc ngơi tay là lại ra sân đứng, mắt chong chong về phương nam.
Bữa ba và anh tôi về, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba mẹ ôm nhau. Mẹ tôi gục đầu vào ngực ba khóc nấc.
Ba kể rằng đã báo cáo với chính quyền địa phương và được cấp một căn nhà ở TP Quy Nhơn. Rồi ba quyết định sang năm 1976 sẽ chuyển cả gia đình vào đó. Thế nhưng dự định không thành bởi ba đột ngột ốm nặng. Có lẽ do sự phát tác của những vết thương thời chiến và lao lực quá sức. Cuối năm 1976, khi đã đỡ bệnh, ba trở về Bình Định một lần nữa. Ba vào để trả lại nhà ở Quy Nhơn cho địa phương, sửa sang lại nhà ở quê Mỹ Hiệp cho má cả. Lần này ba đi thật là lâu nhưng cũng là lần cuối, bởi sau đó ba quyết định ở lại miền bắc với mẹ con chúng tôi.
Ngày tháng dần trôi. Những người bạn tập kết của ba tôi năm nào đã trở về quê gần hết. Có vài người không về được chủ yếu vì lý do sức khỏe hoặc ở quê không còn ai thân thích. Ba cũng ít khi gặp được họ. Nhiều đêm nhớ quê, ba nằm đưa võng, tay gác lên trán, mắt đăm đắm nhìn trời đen, miệng vu vơ ngâm một điệu bài chòi.
Mẹ tôi nằm trong mùng trở mình, nước mắt lăn dài trên má.
Anh chị em tôi từng đứa trưởng thành. Tôi đi bộ đội theo sự mong mỏi của ba. Ngày tôi chính thức trở thành đảng viên, ba tôi đi khoe khắp xóm: “Thằng con tui giờ là đồng chí của tui!”.
Thế rồi ba yếu dần theo từng trận ốm, trí nhớ giảm đi trông thấy. Những năm cuối đời, lẫn rất nhiều nhưng ba không bao giờ quên ngày đi tập kết và ngày đầu tháng sinh hoạt chi bộ. Ba luôn nhớ quê hương Mỹ Hiệp nghèo khó, nhớ đứa con là cán bộ quân đội, là đảng viên và là đồng chí của ba.
Ngày ba mất, không một dòng di chúc. Cả đời sống, chiến đấu, lao động và cống hiến, tài sản duy nhất của ba chính là anh chị em chúng tôi. Thứ quý giá nhất ba để lại là khí chất quê hương Bình Định chảy trong huyết quản của chúng tôi. Chúng tôi vẫn thường xuyên về thăm quê hương Mỹ Hiệp, yêu thương đùm bọc gia đình riêng của ba.
2 năm rồi 21 năm. Một đời của ba rồi một đời của tôi. Chiến tranh đã làm thay đổi hoàn toàn bánh xe số phận của mỗi con người, mỗi dân tộc. Từ trong nghịch cảnh mà con người từng bước trưởng thành, cũng như từ trong sự khốc liệt của bom đạn mà một dân tộc đã quyết hy sinh tất cả cho ngày thống nhất non sông.
Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Nguyên Phó Tham mưu trưởng, Quân chủng Hải quân
(Theo Báo Nhân Dân)