Có mặt tại viện từ 5h, lấy được số khám lúc 6h, bé Tình (13 tuổi, Sơn La) tiếp tục đợi đến hơn 8h mới được vào khám. Đó mới chỉ là bước đầu của hành trình một ngày dài tại Bệnh viện Việt Đức.
Lời tòa soạn
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.
Việc áp dụng công nghệ này hướng đến nhiều mục đích, nhưng vấn đề cốt lõi nhất là nhằm tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hơn hai năm sau, quá trình chuyển đối này đang diễn ra như thế nào?
Tuyến bài “Khi nào hết cảnh xếp hàng, lấy số khám ở bệnh viện tuyến trung ương” của VietNamNet nhằm cung cấp thực trạng quy trình khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện tuyến trung ương. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp giảm bớt các thủ tục hành chính ở khâu khám chữa bệnh này đang được thực hiện như thế nào.
Sáng sớm ngày thứ 2 đầu tuần, cảnh tượng tương tự diễn ra tại hai bệnh viện tuyến trung ương ở hai đầu đất nước Việt Đức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM): Hàng dài người bệnh, thân nhân xếp hàng chờ lấy số, khám bệnh.
XẾP HÀNG DÀI, CĂNG TAI NGHE KHÔNG MẤT LƯỢT
Để được tái khám sau một tháng mổ cong vẹo cột sống tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào buổi sáng, Bàn Thị Tình (13 tuổi, Phù Yên, Sơn La) cùng cha mẹ bắt xe khách từ 10h tối hôm trước. Cả nhà tới Hà Nội lúc 3h, nghỉ tại bến xe đến 4h30, họ bắt taxi đến viện vào lúc tờ mờ sáng.
Tưởng chừng đến sớm, thời gian chờ sẽ bớt đi phần nào. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như những gì họ mong đợi. “Khi đến viện, rồng rắn hàng dài người thân, bệnh nhân đã chờ lấy số khám. Gần 6h, tôi lấy được số phiếu cho con là 1052”, cha bé Tình chia sẻ. Trong con số này "10" thể hiện đối tượng bệnh nhân khám có sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế. Số còn lại là thứ tự khám. Như vậy, số thứ tự khám của bé Tình là 52.
Để phòng trường hợp Tình phải mổ lại, cần xét nghiệm, chiếu chụp, cô bé buộc phải nhịn đói nhiều giờ. Suốt 2 tiếng chờ đợi cha làm thủ tục, dù mệt, Tình chỉ biết nằm dài trên ghế bên cạnh mẹ.
7h, các bác sĩ trực phòng 137 (phòng khám cột sống) mới bắt đầu giờ làm việc, nhưng từ sáng sớm, người bệnh và thân nhân chờ bên ngoài đã đông nghịt, không còn chỗ ngồi.
Vì bé Tình còn nhỏ, nên cả cha mẹ phải đưa em đi. Một nhà 3 người, mẹ có nhiệm vụ trông con, còn cha thì xếp hàng. Trên tay chị Hoa - mẹ bé Tình - giữ chặt chiếc túi xách đựng tệp hồ sơ, sổ khám bệnh bằng giấy của con gái suốt từ trước đến nay. Lần nào đi khám, anh chị cũng phải cầm theo cả một tệp dày phim chụp X-quang, CT, MRI của con gái, bởi tới viện nào cũng được chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm lại.
Sau khoảng 3 tiếng từ lúc đến viện, bé Tình mới được gọi vào khám. 8h20, bé quay trở ra sau 10 phút, trên tay là chỉ định chụp X-quang tại nhà D, Bệnh viện Việt Đức. “Lại mất một tiếng chờ đợi đây, chỉ mong khám được trong ngày để kịp chuyến về cho con gái đi học ngày mai”, bố cô bé nói.
Cả dãy phòng khám chấn thương chỉnh hình không có bảng hiệu điện tử hiển thị số thứ tự, tên bệnh nhân, bác sĩ hay số lượng bệnh nhân đang chờ.
Tiếng người nhà í ới gọi nhau, tiếng xuýt xoa của bệnh nhân vì đau đớn, hòa lẫn tiếng gọi loa của nhân viên y tế… khiến không ít người phải căng tai tập trung nghe kẻo “mất lượt”. Không có bảng hiệu theo dõi, bệnh nhân cũng không biết phải chờ đến khi nào.
THỦ TỤC NHANH NHƯNG CHỜ ĐẾN LƯỢT VÔ CÙNG MỆT MỎI
9h30 sáng, anh Trần Trai (ngụ tại Gia Lai) đưa vợ vào phòng khám Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Cùng cảnh ngộ bắt xe từ chiều hôm trước để kịp “bốc số” vào 5h sáng hôm sau nhưng anh cũng phải chấp nhận cảnh chờ đợi.
“Tôi bốc được số 1.134 sau đó lại tiếp tục lấy số khám chuyên khoa. Người ta xếp hàng từ 3h sáng sẽ có số sớm hơn, khám trước mình”, người đàn ông ngậm ngùi chia sẻ.
Hơn một năm qua, mỗi tháng, anh chị đều phải xuống bệnh viện khám bệnh, phẫu thuật rồi tái khám vì căn bệnh “rỗng tủy sống” hành hạ. Bởi vậy, cảnh xếp hàng, chờ đợi không còn xa lạ đối với họ.
“Lần nào chúng tôi cũng phải bắt xe từ chiều hôm trước, khám nguyên ngày hôm sau. Trước đây, chờ cả buổi mới đến lượt khám, bác sĩ chỉ định chụp chiếu lại phải xếp hàng cả tiếng mới đóng được tiền để chụp MRI, CT. Thủ tục thì nhanh nhưng chờ đóng tiền và đến lượt vô cùng mệt”, anh nói.
Giơ bàn tay co quắp vì chứng bệnh liên quan đến cột sống, chị H. - vợ anh - cho hay, mọi thủ tục khi khám bệnh đều phải nhờ chồng hỗ trợ. Mỗi lần thăm khám không tốn nhiều tiền vì được bảo hiểm y tế chi trả 100%, nhưng chi phí đi lại, chờ đợi khiến chị thêm kiệt sức. “Mỗi lần đi khám như đánh trận vậy, mệt mỏi muốn bệnh theo luôn”, chị nói.
Trước đây, người bệnh khi được bác sĩ chỉ định thực hiện cận lâm sàng sẽ cầm phiếu đi đóng tiền tại quầy, nhận phiếu chỉ định và đi xét nghiệm. Thời gian chờ đóng tiền có khi mất từ 30 phút đến 1 giờ cho một chỉ định.
Để giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân trong khâu đóng tiền, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng mô hình thẻ khám bệnh. Người bệnh sẽ đến các ki-ốt lấy số thứ tự (có nhân viên bệnh viện hướng dẫn hoặc người bệnh tự nhập thông tin), sau đó đến đăng ký khám ở quầy. Nhân viên sẽ hướng dẫn làm thẻ khám bệnh và nộp một số tiền để tạm ứng. Tùy từng người bệnh, nhân viên bệnh viện sẽ làm thủ tục để phân họ về từng khu vực, phòng khám chuyên khoa.
“Nếu phải chụp chiếu, bác sĩ chỉ định rồi mình chỉ cần quẹt thẻ là xong, không còn xếp hàng đóng tiền nữa, nhàn hơn bao nhiêu”, anh Trai tâm sự. Như vậy, chỉ một thay đổi đơn giản trong thủ tục hành chính đã giúp những người như vợ chồng anh bớt mệt mỏi hơn trong hành trình khám chữa bệnh kéo dài.
Đối với gia đình bé Tình, vợ chồng anh Trai và nhiều bệnh nhân khác trong hàng dài chờ khám, khái niệm “chuyển đổi số” quả thật rất xa vời. Nhưng việc sử dụng điện thoại thông minh, kết nối Internet giờ đây đã không còn xa lạ với họ. Bởi vậy, khi được hỏi về việc nếu có một công cụ trên điện thoại giúp họ đặt lịch từ trước, biết được thời gian, địa điểm khám của mình, phim chụp, kết quả xét nghiệm sẽ được cập nhật lên hệ thống, không còn phải lỉnh kỉnh mang theo mỗi lần đến viện, họ đều có cùng một câu trả lời “được thế thì tốt biết mấy”.
Số lượng người đến khám ở bệnh viện tuyến trung ương tăng mạnh
Theo chia sẻ của PGS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 140.000 bệnh nhân tới khám (tăng gần 100.000 trường hợp). Mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám. Mỗi người bệnh thường có 1-2 người nhà đi cùng, cùng với 2.000 nhân viên y tế.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước thời điểm dịch Covid-19, tình trạng quá tải bệnh nhân đã xảy ra tại viện. Sau dịch, nhu cầu khám chữa bệnh càng tăng đột biến khi hàng ngày có khoảng 6.000-8.000 người đến thăm khám. Tại đơn vị này, bệnh nhân nội khoa nhiều, các phòng khám đều chật, người dân phải chờ đợi, dẫn đến sự không hài lòng.
Với số lượng người khám bệnh quá tải so với lực lượng nhân viên y tế còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ thông tin là cách duy nhất giúp khắc phục tình trạng ùn ứ ở khâu khám bệnh ban đầu do thủ tục hành chính gây nên. Liệu tình trạng này tồn tại kéo dài là do người dân chưa kịp thời nắm bắt được cách đăng ký khám mới của các bệnh viện tuyến trung ương hay họ không còn sự lựa chọn nào khác?
Kỳ 2: Internet, smartphone ở khắp nơi vì sao vẫn phải đến bệnh viện xếp hàng lấy số?