Cô giáo Hà Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Cao, cho biết: Trường có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và chăm sóc trẻ, thời gian qua trường đã triển khai việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động phụ huynh và các nhà hảo tâm đóng góp, mua sắm tivi và trang thiết bị cho các lớp học; động viên các giáo viên mua máy tính xách tay để phục vụ công tác giảng dạy.
Sau khi được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, 21/26 cán bộ, giáo viên của trường đã biết ứng dụng CNTT trong giảng dạy, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị giáo án giảng dạy, tiết kiệm được chi phí in ấn...
Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bá Thước về nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc”, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Lũng Cao đã xây dựng môi trường giáo dục, kết hợp với phương pháp giáo dục STEAM (phương pháp giáo dục đặc biệt tích hợp các yếu tố về science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật), art (nghệ thuật) và math (toán học) vào các nhóm lớp; tận dụng nguyên vật liệu tái chế dễ kiếm và an toàn, như: bìa carto, lõi giấy, đĩa CD, nắp nhựa, chai lọ, cốc giấy, bảng gỗ, vỏ ốc, hoa khô..., kết hợp nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, như: các loại hột, hạt, lá, cành cây khô, rơm..., để thực hiện trang trí, làm đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng độ tuổi, điều kiện hoàn cảnh thực tế của các nhóm lớp. Sắp xếp bố trí các góc khoa học, hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong một hoạt động học.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bá Thước, cho biết: Năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện Bá Thước có 664 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với 24 trường mầm non công lập, 1 cơ sở tư thục; 59 điểm trường; 307 nhóm lớp nhà trẻ và mẫu giáo, với 5.836 trẻ đến trường.
Những năm qua, đặc biệt là năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT huyện đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số vào quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn huyện. Hiện nay, tất cả các trường mầm non đều được trang bị ti vi, máy tính và kết nối mạng internet, tạo điều kiện cho giáo viên ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Từ đó, giáo viên mầm non có thể dễ dàng sử dụng các phần mềm tạo các bài giảng cho riêng mình và mang đến cho trẻ những bài học trực quan, sinh động. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho trẻ được tương tác trên bài học, với những hình ảnh về các con vật ngộ nghĩnh, những hàng chữ và con số sống động với hiệu ứng của âm thanh và màu sắc.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy, các trường mầm non trên địa bàn huyện còn ứng dụng các phần mềm, như: cơ sở dữ liệu ngành; quản lý công chức, viên chức; dinh dưỡng; tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; phổ cập giáo dục; phần mềm kế toán; VnEdu, facebook, nhóm zalo, messenger... để cập nhật, tra cứu, quản lý thông tin về trường, lớp, nhân sự, học sinh, cơ sở vật chất nhà trường; được thực hiện nhanh, chính xác, lưu trữ thông tin có hệ thống, lâu dài.
Tự động hóa xây dựng định lượng thực phẩm, lên thực đơn tính khẩu phần ăn cho trẻ chính xác, đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng.
Công tác tuyển sinh đầu cấp mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà trường và phụ huynh, đảm bảo tính chính xác về thông tin, tiết kiệm thời gian, kinh phí, giảm áp lực về hồ sơ, thủ tục hành chính, tiện lợi, minh bạch góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Năm học 2023-2024 đã tuyển sinh được 1.225/1.210 trẻ, đạt 101,2%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Việc nhập liệu, tính toán, tổng hợp, báo cáo, xuất dữ liệu được thực hiện có hệ thống với độ chính xác cao trong thời gian ngắn; công tác soạn bài, in bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, làm đồ dùng học tập; giúp tiết dạy trở nên sinh động, phong phú, trẻ tập trung cao, hứng thú học tập.
Các trường đã xây dựng được 1.080 kho học liệu điện tử của ngành; riêng chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Tăng cường tiếng Việt” các trường đã xây dựng được 340 video.
"Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, là nơi khởi đầu hình thành nhân cách, tư duy, kỹ năng giao tiếp của trẻ. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non trên địa bàn huyện Bá Thước là rất cần thiết, sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực đáp ứng yêu cầu thời đại.
Trong thời gian tới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Bá Thước sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả các tiện ích, phần mềm ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay" - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước chia sẻ.
Theo Tiến Đạt (Báo Thanh Hóa)