Bộ TT&TT hôm 3/8 tổ chức Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ tại hội thảo về việc tỉnh này thử nghiệm dùng Bluezone tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Quét mã QR trên smartphone người dân để có thông tin tại điểm lấy mẫu xét nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Trước đây, tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cán bộ y tế nhập thông tin của người dân bằng tay, ghi trên giấy, sau đó đến cuối ngày nhập vào file Excel trên máy tính để gửi qua Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) của tỉnh. Việc này khá mất thời gian. Có trường hợp mẫu dịch bệnh đã tới CDC tỉnh nhưng danh sách người dân chưa chuyển tới, dẫn đến việc trì trệ trong công tác xét nghiệm.
Để đẩy nhanh việc tiếp nhận người đến lấy mẫu, Sở TT&TT thí điểm quét thông tin bằng QR Code trên ứng dụng Bluezone của từng người, thay vì lập danh sách giấy như trước.
Mỗi người dân đến test Covid-19 được yêu cầu cài đặt trước ứng dụng Bluezone lên điện thoại. Khi đến điểm lấy mẫu, tình nguyện viên chỉ việc quét mã QR của người dân trên ứng dụng này.
Do người dân đã khai báo thông tin từ trước trên Bluezone, khi đến địa điểm lấy mẫu chỉ cần đưa QR Code của mình để tình nguyện viên quét mã xác nhận, sau đó đến khu vực lấy mẫu.
Theo tính toán của ông Tuấn, người dân dùng Bluezone kể từ khi quét mã đến khi hoàn thành lấy mẫu chỉ mất thời gian chưa đến 1 phút. Cuối ngày có kết quả trả về qua ứng dụng.
Việc dùng Bluezone để xác nhận thông tin người lấy mẫu, theo ông Tuấn, giúp tận dụng nguồn dữ liệu có sẵn của nền tảng này. Việc triển khai cũng dễ dàng do phần mềm quét QR chỉ cần cài trên điện thoại hoặc máy tính của tình nguyện viên. Cuối cùng, dữ liệu tập trung và cập nhật theo thời gian thực nên rất dễ cho công tác quản lý ở mọi cấp.
Trong giai đoạn hiện nay, tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm ở địa phương vẫn phân làm hai nhóm người dân. Một nhóm đã cài Bluezone và nhóm còn lại chưa cài, sẽ được tình nguyện viên hướng dẫn cài đặt hoặc nhập liệu bằng máy tính. Thực tế triển khai cho thấy quá trình lấy mẫu ở nhóm người dân đã cài Bluezone bao giờ cũng nhanh hơn do giảm được thời gian nhập liệu.
Theo kinh nghiệm của Bà Rịa - Vũng Tàu, cần truyền thông mạnh mẽ, có thể dùng loa phường, để khuyến khích người dân cài đặt và khai báo thông tin trên Bluezone trước khi đến điểm lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, sẽ có khoảng 15-16% người khai báo dữ liệu trên ứng dụng không khớp với thông tin người đến lấy mẫu. Do đó, cần yêu cầu người đến lấy mẫu phải cầm theo tờ khai để đối chiếu thông tin.
Bên cạnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các địa phương khác cũng chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Chẳng hạn TP.HCM cho đăng ký tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, và đã đưa vào hệ thống toàn quốc được hơn 630 ngàn người tiêm chủng. Trong khi đó, Bắc Giang cũng yêu cầu người dân cài các ứng dụng Bluezone, VHD, Ncovi để khai báo tại các điểm kiểm soát.
Kết thúc hội thảo này, đại diện Bộ TT&TT và các Sở TT&TT thống nhất ý kiến sử dụng một số nền tảng chung thống nhất toàn quốc để thuận tiện trong việc liên thông dữ liệu, đẩy mạnh năng lực phòng chống dịch bệnh trên cả nước.
Hải Đăng
Bắc Giang: Mỗi nhà xưởng, tiệm tạp hoá, xe buýt… là một điểm khai báo y tế
Để khoanh vùng dập dịch, Bắc Giang tận dụng mọi địa điểm có thể, để yêu cầu người dân khai báo y tế, nhằm nắm được thông tin dịch tễ càng nhiều càng tốt.