Mô hình mã số vùng nuôi trồng kết hợp truy xuất nguồn gốc đã phát huy hiệu quả thực tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 15 vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha, gồm các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, cà phê, thanh long và một số loại thủy sản. Qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu thuộc diện khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Mỗi mã số vùng trồng đều được kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ dàng kiểm tra xuất xứ, quy trình nuôi trồng và các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng. Phương thức này giúp tăng giá trị thương hiệu của nông sản địa phương.
Đáng chú ý, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn định hướng kết hợp mã số vùng nuôi trồng và truy xuất nguồn gốc với phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái. Khách du lịch khi đến các trang trại hồ tiêu, vườn thanh long, vườn nho… sẽ được tìm hiểu về quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì việc triển khai các hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đối mặt với không ít thách thức. Chẳng hạn, chi phí đầu tư ban đầu khá cao so với khả năng tài chính của các hộ sản xuất nhỏ lẻ; yêu cầu khá cao về kỹ thuật và công nghệ trong quá trình sản xuất, quản lý, sẽ khó đáp ứng nếu không được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng…
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024.
Theo đó, nhiều nội dung, giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới như: Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức của xã hội, cơ quan, tổ chức về truy xuất nguồn gốc; Triển khai các văn bản, quy định về quản lý, áp dụng và xử lý các vi phạm về truy xuất nguồn gốc; Tiếp tục quản lý, giám sát việc ứng dụng và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá nông lâm thủy sản đã thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc...
Dự kiến trong quý III và quý IV/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 2 hội nghị/lớp tập huấn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 4 hội nghị/lớp tập huấn phổ biến về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các hoạt động như: Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch; Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan đánh giá tình hình áp dụng hệ thống truy xuất, mức độ thông tin truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp nâng cao mức độ truy xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất thông tin theo quy định; Giám sát việc vận hành, duy trì hệ thống, kích hoạt và dán tem truy xuất của cơ sở được hỗ trợ.
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị tuyên truyền, phổ biến thông tin về hoạt động truy xuất nguồn gốc trên các trang thông tin điện tử.
Bình Minh