Mất mốc 900 điểm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rơi vào tình trạng hoảng loạn bán tháo ngay phiên giao dịch đầu tuần trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo, chứng khoán Trung Quốc mở cửa lao dốc 7-8% và trong nước sở giáo dục nhiều tỉnh buộc phải cho học sinh nghỉ học đề phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Chỉ số VN-Index giảm 45 điểm ngay khi mở cửa được khoảng 30 phút và lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua xuống dưới ngưỡng 900 điểm.

Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips trên TTCK đã giảm rất mạnh. VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm mạnh 4 phiên, trong đó có 2 phiên sàn liên tiếp, mất tổng cộng 27.000 đồng, từ mức 148.200 đồng hôm 17/1 xuống còn 121.100 đồng hôm nay.

Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lúc giảm sàn; Ngân hàng Eximbank (EIB) cũng rơi vào tình trạng tương tự, đầu giờ sáng giảm hết biên độ xuống 16.650 đồng/cp.

Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết, Sabeco (SAB) của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi... cũng giảm sàn vào đầu phiên giao dịch.

Tính chung trong 3 phiên qua, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 100 điểm và vốn hóa của thị trường bốc hơi khoảng 15 tỷ USD.

{keywords}
Vn-Index giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu phủ bóng đen bởi sự lo ngại của giới đầu tư về sự lây lan của chủng vi rút nCoV (Corona) gây bệnh viêm phổi cấp.

Số người tử vong vì virus corona tăng mạnh lên 360 người và số người bị nhiễm đã tính bằng con số hàng vạn. Virus corona bùng phát ở Vũ Hán và đã lây lan tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Trung Quốc có gần 1,5 vạn người bị nhiễm.

TTCK Trung Quốc mở cửa sáng nay (3/2) giảm 7-8% bất chấp chính phủ nước này thông báo sẽ bơm khoảng 174 tỷ USD vào để các thị trường. Chứng khoán châu Á nói chung giảm 1,4%.

Trước đó, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên năm Canh Tý 30/1, TTCK Việt Nam chứng kiến cú sốc hiếm thấy trong 20 năm giao dịch với áp lực bán tháo tăng vọt, chỉ số VN-Index tụt giảm 32 điểm khiến vốn hóa trên thị trường giảm 5 tỷ USD.

Chứng khoán Việt giảm trong bối cảnh chứng khoán toàn châu Á cũng lao dốc trong phiên đầu năm mới (âm lịch) với hàng loạt cổ phiếu ngành du lịch, hàng không, xuất khẩu và công nghệ diễn biến tiêu cực nhất.

Đợt giảm giá lần này mạnh hơn so với nhiều phiên đỏ lửa trong các năm trước đó, mạnh hơn phiên giảm điểm hồi cuối tháng 2/2019 khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc đột ngột không có thỏa thuận hay cú giảm 17 điểm hôm 25/10/2018 khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Nỗi sợ bao trùm, chờ ngày hồi phục

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đang có tâm lý hoảng loạn toàn cầu về dịch bệnh, tác động tới kế hoạch của nhà đầu tư. Thị trường có dấu hiệu bán quá đà.

Theo ông Hiếu, các thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ không hồi phục cho đến khi dịch bệnh được xem là đã được khống chế. Chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng dự đoán thị trường tiếp tục bất ổn ít nhất trong hai tuần nữa.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), thì tin rằng, về cơ bản các nhà đầu tư nhận thấy sự nguy hiểm từ dịch cúm này và sự ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế là khá lớn.

Trong thời gian tới, thị trường có thể có những phiên hồi phục nhưng tất cả dựa vào diễn biến của dịch bệnh.

Trước đó, CTCK Vndirect nhận định, các nước châu Á khó tránh khỏi tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 1/2020 cho dù chính phủ các nước đã có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch và tránh lặp lại bài học SARS năm 2003.

Các nước châu Á có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do nhu cầu du lịch và hàng không đến và đi Trung Quốc sụt giảm mạnh.

{keywords}
Virus corona vẫn đang lan rộng.

Trong năm 2019, tổng lượng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài là 170 triệu lượt người (so với 20 triệu tại thời điểm diễn ra dịch SARS, năm 2003) với tổng chi tiêu theo Ngân hàng ANZ lên đến 260 tỷ USD.

Các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều từ sự sụt giảm khách du lịch từ Trung Quốc, đặc biệt là Thái Lan với tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trên GDP ở mức 11,2%.

Tại Việt Nam, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất được cho là: Du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.

Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/từ Việt Nam kết nối với các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý 1 này.

Để kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Do vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn. Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm... sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, một số ngành hàng được hưởng lợi như: dệt may, thép, săm lốp do giảm sức cạnh tranh từ Trung Quốc. Bênh cạnh đó là ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược phẩm, thương mại điện tử,...

Tuy nhiên, theo VnDirect, nCoV là một sự kiện "thiên nga đen", gây tác động mạnh trong ngắn hạn nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế. Sản xuất và tiêu dùng toàn cầu sẽ hồi phục một khi dịch bệnh này được kiểm soát.

Sau những phiên bán bằng mọi giá vào đầu phiên giao dịch, TTCK Việt Nam đã ổn định trở lại, mức giảm thấp hơn và VN-Index đã lấy lại được ngưỡng 900 điểm.

M. Hà