- Bé trai 6 tuổi ôm chặt lấy chân bà, ngước mắt hỏi: “Bà nội ơi, bao giờ ông nội về?”. Mắt bà đỏ hoe: “Ông về nhưng không chơi với con được đâu”. Thằng bé ngơ ngác. Nó đâu có biết ông nội là một trong 11 thuyền viên tử nạn.
Cầu cảng ở Vũng Tàu từ sáng nay đông chật người. Dòng người tâm trạng bồn chồn, buồn lo, ngóng trông dõi mắt nhìn về phía biển. Kể từ hôm vụ nổ con tàu BV 97799 ở ngoài khơi Vũng Tàu xảy ra, lòng người thân của 18 thuyền viên trên con tàu ấy tràn ngập đau thương.
Lúc đợi tàu về, cầu cảng mỗi người một tâm trạng. Buồn, lo, đau xót đang giằng xé tâm can mỗi người. Giữa trưa, khi con tàu SAR 413 màu cam thoáng xuất hiện gần bờ, những tiếng khóc xé dọc bờ cầu cảng.
Chị Trần Thị Thu (43 tuổi) ngụ ở Mỹ Tho - Tiền Giang có chồng là Trần Ngọc Long (47 tuổi) - thuyền trưởng chiếc tàu bị nạn. Nước mắt ràn rụa, chị Thu kể trước khi sự cố xảy ra, lúc 23g ngày 15/9, hai vợ chồng vẫn còn liên lạc được với nhau. Chồng dặn chị tàu sẽ về nhà trưa hôm sau. Nhưng rồi hai tháng lênh đênh trên biển tưởng ngày về thấy gần bỗng thành xa mãi mãi.
"Hôm sau tôi chờ mãi vẫn không thấy. Tôi cứ đi ra đi vô, chẳng biết thế nào. Đến chiều nhận được điện thoại của đứa em cũng đi tàu cá báo về, tôi rụng rời tay chân" - chị Thu nói trong nước mắt.
Đứng kế bên là bé trai 6 tuổi rụt rè khép nép. Thằng bé có khuôn mặt sáng ôm chặt lấy chân người đàn bà đứng tuổi. Dường như nó chưa thấu hiểu được chuyện gì xảy ra xung quanh.
11 gói thi thể được chuyển về giao lại cho thân nhân |
Trong lúc bất chợt, nó níu chân người phụ nữ hỏi: “Bà nội ơi, bao giờ ông nội về”. Mắt bà đỏ hoe. “Ông sắp về rồi con. Ông về nhưng không chơi với con được đâu”. Thằng bé ngơ ngác. Nó không biết ông nội nó (Trần Văn Hương, 52 tuổi) là một trong 11 nạn nhân được đưa về trên chuyền tàu này.
Quang cảnh cầu tàu ảm đạm. Trời u ám. Vài giọt mưa rơi xuống mỗi lúc một lớn dần. Chẳng ai nhúc nhích, chẳng ai tìm chỗ trú.
Trong số 11 thuyền viên tìm được xác và 4 người được ghi nhận là mất tích đa số là người ngụ ở Sóc Trăng. Những người này ở cùng một xóm nên mấy ngày nay cả xóm trở nên ảm đạm. Buồn lắm. Trước đây, mỗi lần tàu cập bến anh em trở về quây quần vui vẻ bên nhau. Giờ đây, tang tóc bao trùm, con thiếu cha, vợ vắng chồng.
Ở một góc xa, một cô gái trẻ ngồi thẫn thờ. Nhìn ra biển, thỉnh thoảng cô lại gục đầu rồi ngước lên, nước mắt lại tràn trề. Cất giọng buồn rười rượi, Lâm Thị Thanh Nhanh - cô gái có cha là Lâm Thanh Nhiễn tử nạn đầy đau khổ:
“Bị nạn chết thì đó là chuyện đau đớn lắm rồi. Không có mất mát nào bằng mất mát người thân. Nhận được xác còn là điều may mắn. Ba em đến giờ này vẫn còn ghi nhận là mất tích"
Khi người bị nạn được xướng tên để mời thân nhân đến nhận xác, những tiếng khóc vang lên. Những tiếng kêu gào xé ruột. Từng thi thể được gói chặt trong bao nhựa được lần lượt đưa lên xe tang. Có người ngất trên tay thân nhân. Có người lịm đi. 11 gói thi thể được chuyển về nhà xác Bệnh viện Lê Lợi làm thủ tục pháp y trước khi giao lại cho thân nhân.
3 người sống sót được tàu cá cứu xuất hiện. Hai người còn trẻ và một người đứng tuổi. Anh Trần Văn Khoa (45 tuổi) bước những bước chân nặng nề.
Khi cơ quan tổ chức mời phát biểu, anh Khoa tay cầm micro bật khóc. Không thốt lên được một tiếng nào. Tất cả lặng theo. Trong số những người bị nạn có con và em của anh Khoa là cháu Trần Minh Đương (19 tuổi) và anh Trần Văn Lượng (44 tuổi).
Anh Trần Văn Khoa bật khóc nức nở |
Anh Hoàng Văn Đoàn thì kể lại, tối hôm ấy đang ở trên boong nghe có mùi gas bay lên rồi sau đó là một tiếng nổ lớn.
"4 người chúng tôi rơi xuống nước bám được vào phao. Do thời gian bám quá lâu và đã bị bỏng nên em Huỳnh Vũ Linh đành phải buông tay. Chúng tôi được tàu cá cứu kịp mới còn đến hôm nay".
3 thuyền viên được đưa về nơi nghỉ ngơi do quá mệt |
Trước nỗi đau của hàng chục gia đình phải gánh chịu, chiều nay, nhiều đơn vị đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng Hải cho biết công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp tục khẩn trương để tìm những người mất tích.
Trần Chánh Nghĩa - Ảnh: Đinh Tuấn