Giải Nobel Y học 2017 được trao cho ba nhà khoa học Mỹ Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì khám phá của họ về những cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học.
Giải thưởng vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm công bố chiều 2/10, mở màn cho mùa giải Nobel 2017.
Tên của Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young hiện lên màn hình tại cuộc họp báo công bố chủ nhân Giải Nobel Y học 2017 ở Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: Reuters) |
Báo The Guardian dẫn thông tin từ Ủy ban giải Nobel Y học cho biết, các công trình nghiên cứu của nhóm đã giải thích cách thức động thực vật và con người điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể sao cho đồng bộ với sự tiến hóa của trái đất, còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể.
Trong nhiều năm qua, giới khoa học đã nhận thức được rằng trong mỗi cá thể sống, trong đó có con người, đều có một đồng hồ sinh học, giúp cơ thể biết trước và thích ứng với nhịp điệu bình thường trong ngày.
Dùng ruồi dấm làm vật mẫu, nhóm nhà nghiên cứu đã tách được một gene điều khiển nhịp độ sinh học hàng ngày, có thể điều chỉnh các chức năng như thân nhiệt, hành vi, giấc ngủ... Phát hiện của họ đã giúp giải thích cách thức động thực vật và con người có thể thích nghi với nhịp sinh học của mình, từ đó thích ứng với sự tiến hóa của Trái Đất.
Nhà khoa học Jeffrey C. Ha sinh năm 1945 ở Thành phố New York. Ông có bằng Tiến sĩ tại Đại học Washington và đang công tác tại Đại học Maine.
Michael Rosbash, năm nay 73 tuổi, có bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và làm việc tại Đại học Brandeis kể từ năm 1974.
Michael W. Young sinh năm 1949 tại Miami, nhận bằng tiến sĩ của Đại học Texas. Từ năm 1978 đến nay, ông làm việc tại Đại học Rockefeller.
Năm 2016, giải Nobel Y học được trao cho nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi, 72 tuổi, nhờ phát hiện của ông về các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Công trình nghiên cứu của Ohsumi có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp giải thích cơ chế bất thường trong một loạt căn bệnh.
Trước đó, giải Nobel Y học năm 2015 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc nhờ khám phá ra phương pháp điều trị sốt rét và ký sinh trùng.
Thanh Hảo