Chiều ngày 4/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, do bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cùng các đồng phạm thực hiện.

Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Đặng Anh Quân, luật sư cho rằng, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Luật sư đề nghị xem xét lại 2 tình tiết tăng nặng. Thứ nhất, theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hằng là chủ mưu, bị cáo Quân là người am hiểu về pháp luật, đáng ra phải khuyên can bị cáo Hằng nhưng bị cáo lại cùng bị cáo Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream.

nguyenphuonghang.gif
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Quân phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, luật sư khẳng định, các bị cáo không có bàn bạc, không có phân công trong các buổi livestream nên quy kết bị cáo phạm tội có tổ chức là chưa phù hợp. 

Thứ 2, về vấn đề phạm tội nhiều lần. Theo lời khai của bị cáo, mục đích của bị cáo Quân khi livestream là muốn tuyên truyền pháp luật, không có sự thỏa thuận, bàn bạc. Bị cáo Quân tham gia 11 lần livestream, CQĐT xác định chỉ có một lần bị cáo vi phạm.

Luật sư cho rằng, các clip mà ông Võ Nguyễn Hoài Linh nộp cho CQĐT có sự cắt ghép, gây bất lợi cho bị cáo. Gia đình bị cáo đã lập vi bằng toàn bộ buổi livestream, nộp CQĐT nhưng chưa được xem xét.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các nội dung này.

Về các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo; bị cáo đã tác động gia đình nộp 5,5 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bào chữa cho 3 bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và bị cáo Huỳnh Công Tân, luật sư Hồ Nguyên Lễ thống nhất với truy tố của VKS về tội danh của các bị cáo.

Tuy nhiên vị luật sư cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo giản đơn, không có tổ chức. Bởi lẽ, do thời điểm dịch Covid-19 nên bà Nguyễn Phương Hằng mời các bị cáo đến sống chung như người nhà. Nên đây không phải là hành vi phạm tội có tổ chức.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các bị cáo đã ăn năn, hối cải; các bị cáo thiếu nhận thức về pháp luật.

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, các bị cáo đã nộp án phí, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Công ty Cổ phần Đại Nam cũng có đơn bảo lãnh để các bị cáo tiếp tục làm việc. 

Vì vậy, luật sư đề nghị xem xét tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả, đây là tình tiết mới để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

danganhquan.gif
Bị cáo Đặng Anh Quân

Đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng, dù không có kháng cáo, nhưng bị cáo đã nộp đầy đủ án phí và bồi thường về thiệt hại. Theo luật sư, đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới. Vì vậy, luật sư Hồ Nguyên Lễ đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3, Điều 157, sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng để bị cáo sớm trở về sum họp với gia đình.

Khi được HĐXX yêu cầu trả lời có hay không việc đã khắc phục hết hậu quả của vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng nói: “Dù bị cáo không kháng án nhưng bị cáo mong HĐXX hãy công tâm. Bị cáo là người vợ tốt, người mẹ tốt, công dân tốt của xã hội. Bị cáo mong HĐXX giảm nhẹ cho bị cáo dù 1 ngày, 1 tháng bị cáo cũng thấy hạnh phúc. Xin tòa hãy cho bị cáo một chút danh dự”.

Trước đề nghị này của bà Hằng, HĐXX giải thích, chỉ khi bị cáo có kháng cáo thì HĐXX mới xem xét việc giảm án hay không. 

Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo. Theo đó, giữ nguyên mức án sơ thẩm 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nhi, Hà và Tân; 2 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Quân.

Đại diện VKS cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị Hàn Ni và Đinh Thị Lan về việc yêu cầu xác định họ là bị hại của bị cáo Nguyễn Phương Hằng.