Mi Na theo bà phượt xe máy ngắm cảnh, tìm hiểu về rùa biển, "săn" cảnh máy bay qua bãi tắm, băng rừng tới thăm hang Đức Mẹ - nằm trong rừng nguyên sinh thuộc phạm vi của Vườn quốc gia Côn Đảo; vượt ghềnh đá chinh phục cột mốc A3; thăm hệ thống nhà tù, bảo tàng, viếng mộ nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu...
"Kỳ nghỉ hè năm ngoái, hai bà cháu phượt hơn 600km, qua 5 tỉnh thành trong 8 ngày. Tôi cũng đã đưa cháu trải nghiệm leo núi ở Gia Lai, tắm biển dọc duyên hải Nam Trung Bộ. Năm nay, hai bà cháu không di chuyển xa nhưng có nhiều trải nghiệm "thử thách" hơn.
Mỗi khi cháu vượt qua khó khăn, chạm đích đến, tôi vui vỡ òa. Chỉ một lần duy nhất cháu bật khóc nức nở, giận dỗi bà nhưng cảm xúc đó trôi qua rất nhanh", bà Nguyễn Thị Bích Vân (61 tuổi, Gia Lai) tâm sự.
Bà Vân là người đam mê du lịch, leo núi, chạy bộ và không ngại trải nghiệm những hoạt động có tính thử thách, mạo hiểm. 8 năm qua, bà từng nhiều lần lái xe xuyên Việt, qua 3 nước Đông Dương, leo 19 đỉnh núi cao bậc nhất khu vực Tây Bắc và 17 ngọn núi ở Tây Nguyên, miền Nam Trung Bộ.
Mùa hè, bà Vân thường dành thời gian để chăm sóc cháu ngoại. Trước đây, bé Mi Na hơi nhút nhát, quen sống ở thành phố nên hạn chế trong nhiều kỹ năng vận động. Bà Vân nảy ra ý tưởng dạy cháu đi bộ, chạy, bơi, leo núi và cùng du lịch, khám phá các tỉnh, thành.
"Con trai tôi cũng từng nhút nhát, ít nói nhưng sau hành trình xuyên Việt cùng mẹ, con cởi mở, tích cực và có thêm nhiều kỹ năng. Tôi nghĩ có thể áp dụng phần nào đó với cháu gái, giúp cháu rèn luyện thể chất, thêm kỹ năng sống và nhiều kỷ niệm bên bà", bà Vân chia sẻ.
Hồi giữa tháng 5, bà Vân bắt đầu hành trình lái xe máy từ Gia Lai vào TPHCM. Trên đường đi, bà dừng chân ở Bình Thuận một vài ngày để tham gia giải chạy marathon, cự ly 21km, chinh phục đỉnh núi Chúa cao 1.039m. Tới Bà Rịa - Vũng Tàu, bà gặp gỡ bạn bè chung đam mê, trải nghiệm leo núi Thị Vải, đỉnh Tóc Tiên.
"Trước ngày Mi Na tham gia lễ tổng kết cuối năm học, tôi có mặt tại TPHCM. Cháu là một trong 10 học sinh của lớp được nhà trường trao giấy khen nên cả nhà đều hân hoan. Ngay khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, hai bà cháu lên đường khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên", bà Vân cho biết.
Trong 4 ngày 3 đêm, bà Vân và cháu gái trải nghiệm ba cung khám phá Cát Tiên. Cung đầu tiên, hai bà cháu thử sức với 5km đạp xe và 3km đi bộ ngắm những cây cổ thụ, thác nước, hệ sinh thái khu vực gần. Cung thứ hai là "săn" thú đêm.
Thấy Mi Na hứng thú và sức khỏe dẻo dai, bà Vân tiếp tục đưa cháu trải nghiệm cung thứ 3 - khá thách thức với cả người lớn: Trekking tới Bàu Sấu. Bàu Sấu nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là “quê nhà” của cá sấu nước ngọt (hay còn gọi là cá sấu Xiêm). Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung nhiều loài động, thực vật có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Tổng quãng đường hai bà cháu vượt qua là khoảng 11km đi bộ, 7km đạp xe. Một phần đường còn lại, bà Vân cùng Mi Na đi nhờ xe máy để cô bé không quá sức.
"Con được thăm cây gõ bác Đồng (PV - cây gõ đỏ 700 năm tuổi, được xem là "báu vật” của Vườn quốc gia Cát Tiên. Năm 1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới thăm cây gõ đại thụ này), cây đa Lộc Giao (PV - cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với 6 thân lực lưỡng, vươn thẳng lên trời, quyện chặt nhau tại ngọn) và rất nhiều cây tùng, bằng lăng khổng lồ. Con còn thấy con voọc, cá sấu, bướm và các loại chim", cô bé Mi Na hào hứng kể lại. Hai bà cháu cũng may mắn gặp chà vá chân đen, vượn má đen vàng.
Sau chuyến đi 4 ngày 3 đêm, trở về TPHCM nghỉ ngơi chút ít, bà Vân và Mi Na lại "khăn gói" lên đường, bay ra Côn Đảo.
Bà Vân thuê một chiếc xe máy, chở cháu gái rong ruổi các cung đường tại huyện đảo để ngắm khung cảnh. Trong 1 tuần lưu trú trên đảo, lịch trình của Mi Na được lấp đầy bằng rất nhiều trải nghiệm. Không chỉ tắm biển thỏa thích, bơi lội, ngắm san hô mỗi ngày, bà Vân còn đưa cháu gái trekking cung đường Cỏ Ống - Núi Chúa, cung đường hang Đức Mẹ và bãi Bàng, bãi Đất Thắm.
"Cung đường tới hang Đức Mẹ rồi xuống bãi Bàng, bãi Đất Thắm, cả đi cả về gần 11km với hầu hết là đường dốc, khó đi", bà Vân cho hay.
Lịch trình "lên núi - xuống biển" được bà ngoại sắp xếp luân phiên, tạo cảm hứng mới mẻ cho cô cháu gái. Có ngày, hai bà cháu mê mẩn theo cô chú nhân viên kiểm lâm tìm hiểu về rùa, có ngày lênh đênh trên biển để ra khám phá Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau, lặn ngắm san hô, tham quan rừng ngập mặn. Ngày khác, hai bà cháu lại dậy sớm, đón bình minh, căn giờ "săn" máy bay.
"Đáng nhớ nhất với hai bà cháu là chặng hành trình chinh phục cột mốc cơ sở A3 - hòn Tài Lớn, 1 trong 11 điểm đánh dấu lãnh hải Việt Nam", bà Vân cho biết.
Khác với cột mốc A4, A5, hiếm có tàu thuyền nhận chở khách tới cột mốc A3. Bà Vân theo lời giới thiệu, liên lạc tới một chủ tàu người bản địa. Khi nghe bà chia sẻ mong muốn đưa cháu gái đến cột mốc, chủ thuyền giúp đỡ, hỗ trợ là chính. Họ liên hệ để đăng ký với trạm kiểm lâm Hòn Tài, thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.
Đồng hành cùng hai bà cháu còn có một người bạn của bà Vân, cũng tới Côn Đảo để du lịch, chuẩn bị cho giải chạy marathon.
Trên đảo là những khu rừng nguyên sinh và ghềnh đá hoang sơ. Lần đầu thấy du khách nhí ghé thăm, các thành viên trong trạm kiểm lâm Hòn Tài không khỏi bất ngờ.
"Các chú hỏi thăm Mi Na, mời cháu ăn hoa quả, uống nước. Chú kiểm lâm được phân công dẫn đoàn đến cột mốc nhiệt tình hỗ trợ, sẵn sàng cõng Mi Na nếu con quá mệt. Chú đi phía trước dò đường, gạt những lớp lá phủ dày, tránh nguy hiểm cho Mi Na", bà Vân kể.
Ban đầu, theo bà Vân tìm hiểu, tổng quãng đường từ nơi cập tàu tới trạm kiểm lâm và lên cột mốc không tới 3km. Bà nói với Mi Na, quãng đường này chỉ tương tự hành trình chinh phục hang Đức Mẹ cách đây ít hôm. Do đó, Mi Na rất tự tin, đi băng băng tiến về phía trước.
"Tôi không ngờ càng lên cao, đường càng khó, gập ghềnh, cheo leo, có nơi độ dốc 100%, lá phủ kín lối, che hết các phiến đá. Vừa trải qua trận mưa nên khu vực này còn trơn trượt.
Do không chú ý, Mi Na trượt chân. Vết thương không nghiêm trọng, nhưng cháu bật khóc nức nở. Cháu trách bà "nói dối": 'Bà bảo đường dễ đi như leo hang Đức Mẹ cơ mà'. Hiểu cháu bị quá sức lại giận dỗi bà nên tôi động viên cháu bình tĩnh, thuyết phục cháu cố gắng thêm chút nữa. Chỉ cần mình không bỏ cuộc thì sẽ tới đích", bà Vân kể.
Sau ít phút, Mi Na cũng vượt qua "cơn giận hờn vu vơ", tiếp tục hành trình. Chú kiểm lâm và người bạn của bà ngoại ngỏ ý cõng Mi Na nhưng cô bé từ chối.
Một đoạn đường trên hành trình tới cột mốc A3
"Khi tới cột mốc, từ trên cao nhìn xuống, thấy khung cảnh bao la, hùng vĩ, vùng biển xanh mướt, hoang sơ, sóng đánh ầm ào, Mi Na rất thích thú", bà Vân kể. "Tuy tuổi nhỏ, cháu chưa thể cảm nhận được hết ý nghĩa, niềm tự hào của một cột mốc đánh dấu lãnh hải quê hương nhưng tôi tin, sau này nhìn lại hình ảnh nơi đây, cháu sẽ cảm nhận được. Hành trình sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với cô bé 7 tuổi", bà Vân nói thêm.
Trong hành trình, bà Vân cũng đưa cháu gái tới bảo tàng Côn Đảo, nơi trưng bày khoảng 2.000 tư liệu, vật phẩm có giá trị về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ xưa đến nay, và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo trong 113 năm. Hai bà cháu đến một số di tích lịch sử như trại giam, hệ thống nhà tù.
"Tới khu vực này, tôi lo lắng cháu sợ hãi. Ban đầu, hai bà cháu chỉ tham quan phía ngoài. Khi thấy cháu muốn tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới đưa cháu vào sâu, vừa đi vừa giải thích cho cháu về những hình ảnh xuất hiện tại nhà tù. Tôi hy vọng, cháu cảm nhận được sự hy sinh của các bậc ông cha trong cuộc chiến gian khổ, biết ơn đến những chiến sĩ đã ngã xuống", bà Vân nói.
Ngày gần cuối tại đảo, bà Vân tham gia một giải chạy cự ly 20km. Mi Na ngồi cùng ban tổ chức, cổ vũ bà vượt qua từng vòng đua. Khi bà ngoại sắp tới đích, Mi Na thích thú ùa ra, nắm tay bà hoàn thành nốt đoạn đường.
"Hai bà cháu sống xa nhau, nên thời gian tôi có thể cùng cháu vui chơi không quá nhiều. Mỗi dịp nghỉ hè, tôi đều mong bản thân có nhiều sức khỏe để đưa cháu trải nghiệm, khám phá. Sắp tới, Mi Na sẽ tiếp tục có hành trình du lịch cùng ông bà nội. Những kỷ niệm tuổi thơ bên ông bà, gia đình sẽ là điều tuyệt vời đi theo cháu tới mãi sau này", bà ngoại 61 tuổi tâm sự.
Cũng theo bà Vân, mỗi bạn nhỏ có sở thích và sức khỏe khác nhau, ông bà, bố mẹ cần hiểu rõ trước để xây dựng lịch trình phù hợp.