Nếu Mỹ triển khai khí tài quân sự tới phạm vi 12 hải lý các bãi ngầm mà TQ đang cải tạo, một vụ đụng độ quân sự, thậm chí sử dụng hỏa lực có thể là kịch bản tồi tệ nhất.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp TQ Vương Nghị sau cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh ngày 16/5. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/5, người đồng cấp TQ Vương Nghị đã nêu chuyện Lầu Năm Góc đang đề xuất đưa tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông nhằm xác lập quyền tự do hàng hải ở đây. Song ông Kerry đã không có bất kỳ câu trả lời nào liên quan đến việc này cũng như liệu Washington dự tính gì sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra đề xuất.

Trước chuyến thăm của ông Kerry đến Bắc Kinh cuối tuần trước, tờ Thời báo Hoàn cầu TQ đã cảnh báo rằng, việc Mỹ cân nhắc mở rộng tuần tra đến khu vực tranh chấp - bao gồm phạm vi 12 hải lý quanh các bãi ngầm mà TQ cải tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - là một hành động khiêu khích có thể biến vùng biển thành "thùng thuốc súng".

Hàng loạt hành động gây hấn của TQ gần đây, nhất là việc mở rộng cải tạo bãi ngầm, biến chúng thành những đảo nhân tạo đã khiến ASEAN lo lắng về ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Đụng độ quân sự - kịch bản tồi tệ nhất

Một số chuyên gia nói rằng, nếu Mỹ triển khai khí tài quân sự tới phạm vi 12 hải lý các bãi ngầm mà TQ đang cải tạo, một vụ đụng độ quân sự, thậm chí sử dụng hỏa lực có thể là kịch bản tồi tệ nhất.

Phụ trách mục châu Á của tờ Defence News (Mỹ) Wendell Minnick cho biết, điều đó khó xảy ra, nhưng khả năng "một chỉ huy quân sự TQ ra lệnh bắn tên lửa chống hạm hay làm điều gì đó leo thang" cũng không thể bác bỏ.

"Tính dân tộc chủ nghĩa dâng cao tới mức bạn không thể chắc chắn tinh thần ấy sẽ thúc đẩy viên chỉ huy hành động thế nào", chuyên gia cho hay. Ông cũng cho rằng, không thể đoán biết chắc chắn phản ứng của hải quân TQ khi chưa từng được quan sát và phân tích trong tác chiến.

Nhà phân tích Singapore Li Mingjiang cũng cho rằng, cuộc diễn tập tầm gần và đụng độ quân sự sẽ là kịch bản tồi tệ nhất nhưng nhấn mạnh khả năng sử dụng hỏa lực "hầu như không thể" xảy ra.

Chiến thuật đám đông TQ?

Một kịch bản khác có thể xảy ra, đó là TQ có thể sử dụng "chiến thuật đám đông" hơn là đụng độ quân sự trực tiếp. Theo Minnick phân tích, TQ có thể sẽ điều động các tàu cá và tàu cảnh sát biển để quấy nhiễu tàu Mỹ, trong khi hải quân TQ quan sát ở khoảng cách xa hơn. "Đây cũng là chiến thuật thường thấy của Bắc Kinh".

Giáo sư Li cho rằng, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất sẽ là các vụ triển khai của tàu Mỹ nhưng phần lớn mang tính "biểu tượng".

"Không ai tìm kiếm một cuộc chiến nên chỉ là một hoặc hai tàu đi qua ranh giới khu vực 12 hải lý và không ở lại lâu. TQ không có khả năng phản ứng gay gắng và sẽ chỉ giám sát hoặc đi theo", ông Li phân tích.

Nhà Trắng nói 'không'

Một tình huống khác, đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể chọn cách không chấp thuận đề xuất của Lầu Năm Góc đưa tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông.

Theo Tân hoa xã, trong cuộc gặp với tướng Fan Changlong, phó chủ tịch quân ủy TQ, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói rằng, các tuyên bố về vấn đề này "không phản ánh bất kỳ quyết định chính trị nào của chính phủ Mỹ".

Nhà phân tích Huang Jing của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu lưu ý kế hoạch này có thể được rò rỉ ra các phương tiện truyền thông như một phần nỗ lực của Mỹ nhằm "gửi thông điệp" cho TQ khi không muốn quá leo thang căng thẳng do Washington vẫn cần sự hợp tác từ Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác.

"Họ muốn cảnh báo TQ rằng, đây là những gì mà Mỹ sẽ định làm", ông Huang nói.

Thái An (theo Asiaone)