- Tin giáo dục trên các báo ra hôm nay ngoài những thông tin: Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ hồ sơ thi ĐH các khối; Con nghỉ hè, bố mẹ nháo nhác tìm người giữ trẻ; Đề xuất của "người trong cuộc" sau bài văn "lạ"... còn có thông tin gây chú ý: ba học sinh được nhận bằng khen ngay trong đêm của Bộ GD-ĐT.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Con trẻ nghỉ hè, phụ huynh lo

Báo Pháp luật TP.HCM cho bài phản ánh, tính đến thời điểm này, hầu hết các trường mầm non và tiểu học tại TP.HCM đã cơ bản hoàn thành chương trình chính khóa để chuẩn bị tổng kết năm học. Theo kế hoạch, học sinh sẽ nghỉ hè từ ngày 1/6. Đối với các trường tổ chức học hè sẽ được nghỉ 15 ngày đầu tháng 6. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nhiều phụ huynh bắt đầu tìm chỗ gửi trẻ để không ảnh hưởng đến công việc.

Hơn 80% phụ huynh có nhu cầu cho con học hè tại trường vì không có điều kiện trông giữ. Vì thế, phần lớn các trường vẫn cố gắng lên kế hoạch dạy hè để phụ huynh yên tâm.

1,8 triệu hồ sơ thi đại học

Bộ GD-ĐT vừa công bố thống kê số liệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012 với hơn 1,8 triệu bộ. Trong đó khối A chiếm tới 47%, ngành khoa học xã hội nhân văn chỉ 4,4%.

Hồ sơ đăng ký dự thi đại học năm 2012 giảm 7,7% so với năm trước. (Ảnh: Hoàng Thùy - Vnexpress)

Theo thống kê, hơn 1,3 triệu hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học (75%) và gần 460.000 hồ sơ đăng ký dự thi cao đẳng. So với năm 2011, tổng số hồ sơ giảm 7,7%.

Các ngành khoa học xã hội nhân văn chiếm hơn 4,4%, trong khi đó khối A chiếm hơn 47%, A1 5,2%, B 21,3%, C 6,2% và D1 16,2%, còn lại là các khối khác.

Nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý được cho là hot năm nay cũng giảm hơn 10% thí sinh đăng ký dự thi so với năm trước. Các nhóm ngành thể dục, thể thao, nghệ thuật, báo chí, khách sạn có hồ sơ dự thi dưới 1%.

Bằng khen được trao tặng trong đêm

Dân Trí có bài ghi nhận, hai ngày trôi qua, kể từ khi thông tin về ba học sinh Việt Nam giành chiến thắng vang dội tại cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh bậc THPT lớn nhất thế giới tổ chức tại Hoa Kỳ lan truyền, nhưng niềm vui và tự hào dường như vẫn không thể kiềm chế trong mỗi thành viên ra tận sân bay Nội Bài đón chào các em tối 20/5.

Nhóm học sinh Việt Nam giới thiệu công trình cho khách tham quan tại ISEF 2012, diễn ra ở Mỹ. (Ảnh Dân trí)

Ngay tại sân bay Nội Bài trong đêm 20/5, đã diễn ra lễ trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho ba học sinh: Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh cùng phần thưởng 10 triệu đồng/em. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tặng các em Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

Vừa học vừa chán môn văn

Đó là tựa đề báo Thanh niên phản ánh. Nhiều hiện tượng trong việc dạy và học môn văn thời gian qua cho thấy môn học này ngày càng mất dần sức hút với học sinh.

HS lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) trong giờ ôn tập môn văn chuẩn bị thi tốt nghiệp. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Thanh niên)

Một bài văn hay, viết bằng cảm xúc thực, không giống bất cứ khuôn mẫu nào lập tức được dư luận xôn xao là “văn lạ”. Một bài văn miêu tả thực trạng môi trường học đường bị cho là ý thức kém... Những điều ấy đã cho thấy thực trạng đáng buồn trong việc dạy và học văn hiện nay.

Những thay đổi cần làm sau hiện tượng bài văn 'lạ'

Là tựa đề Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược ý kiến của TS Hoàng Tuyết (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Bà nói, bài viết của bạn Nguyễn Vũ Anh cũng cho tôi thấy rõ hơn nhiều điều liên quan đến dạy học và đánh giá trong môn văn ở nhà trường phổ thông.

“Chính quan điểm chấm dựa ý cho trước hay nói khác là những những khuôn mẫu, những “barem” đã và đang làm cho giáo viên, người đánh giá chất lượng bài văn của học sinh, thường không nhìn ra được một cách cụ thể khả năng diễn đạt của các em”

“Cái bang” xin đểu sinh viên làng đại học

Zing phản ánh, Hoàng một sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) bất ngờ khi thấy một nam thanh niên đứng xin tiền khi Hoàng đang ngồi uống nước cùng bạn gái. Hoàng không chịu “móc hầu bao” thị bị nam thanh niên lập tức chử bới và hăm dọa.

Giáo dục văn hóa ứng xử cho phạm nhân

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ đức (Z30D) - người khởi xướng hội thi “văn hóa giao tiếp, ứng xử trong phạm nhân” cho hay, giáo dục văn hóa ứng xử cho con người ngoài xã hội đã khó, giáo dục văn hóa ứng xử cho phạm nhân còn khó hơn nhiều.

“Muốn giáo dục phạm nhân, trước hết chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường giàu tình thương yêu, nhân ái” - ông nói.

Không chấp nhận chứng chỉ bên ngoài

Báo Thanh niên có bài phản ánh, nhiều sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) phản ảnh trường không chấp nhận chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ bên ngoài các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM.

Thông tin được Trưởng phòng đào tạo - Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn không chấp nhận những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ bên ngoài các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM để xét tốt nghiệp.

Trước mối khóa học Trường đã có thông báo gửi cho học sinh để đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo cũng như đảm bảo chuẩn đầu ra.

Đám cưới tập thể kỷ niệm thành lập trường

Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin Tân Hoa xã cho biết, kỷ niệm 115 năm thành lập trường, ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) đã tổ chức một đám cưới tập thể cho các sinh viên cũ ngay tại sân trường. Tổng cộng 128 cặp cựu sinh viên ĐH Chiết Giang tham gia buổi hôn lễ tập thể đầy ý nghĩa này. Ngày vui diễn ra với sự tham gia của hàng trăm phụ huynh, giáo viên và bạn bè của họ.

  • Phan Ánh (tổng hợp)