Tham gia phỏng vấn trong chương trình 60 Minutes của CBS News, khi được hỏi bà coi quốc gia nào là "đối thủ lớn nhất của chúng ta", bà Harris nói "tôi nghĩ có một quốc gia hiện rõ trong đầu tôi, đó là Iran. Đó là cuộc tấn công vào Israel bằng 200 tên lửa đạn đạo. Điều chúng ta phải bảo đảm là Iran không bao giờ trở thành cường quốc hạt nhân, đó là một trong những ưu tiên lớn nhất của tôi”.
Trước câu hỏi nếu Iran chế tạo bom hạt nhân, bà có thực hiện hành động quân sự không, bà Harris nói rằng “tôi sẽ không nói về giả thuyết vào lúc này”.
Thay vì Nga hay Trung Quốc, việc ứng viên tổng thống đảng Dân chủ chọn Iran cho thấy cuộc chiến ở Trung Đông đã làm thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chuyện Iran bị coi là đối thủ hàng đầu của Mỹ không quá là ngạc nhiên. Cộng hòa Hồi giáo Iran đã mắc kẹt trong Chiến tranh Lạnh bất cân xứng với Mỹ suốt hơn 40 năm qua. Song việc bà Harris quan ngại về Iran hơn cả Trung Quốc, Nga, và Triều Tiên là điều đáng chú ý.
Mối quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Iran càng trở nên nghiêm trọng liên quan tới các cuộc xung đột ở Trung Đông. Điển hình, hồi tháng 9, Iran đã phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả các cuộc không kích của Israel vào Lebanon. Các lực lượng vũ trang Mỹ và Israel đã cùng ngăn chặn tên lửa Iran trong cuộc tấn công này.
Thị trường tài chính toàn cầu cũng đang chịu tác động, do lo ngại Israel có thể tấn công đáp trả nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Vào năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tới năm 2022, chính quyền của Tổng thống Biden muốn nối lại đàm phán để khôi phục thỏa thuận này. Song quá trình này sụp đổ, sau khi Nhà Trắng cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng trong xung đột ở Ukraine.
Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết Tehran sẵn sàng khởi động lại quá trình đàm phán hạt nhân đa phương. Song Nhà Trắng đã gửi tín hiệu Washington chưa muốn nối lại đàm phán hạt nhân với Iran.