Nhiều nghi vấn về cái chết của bà Hà Linh có liên quan đến người chồng cũ và những mâu thuẫn trong công việc làm ăn của nữ doanh nhân này.

Ngày 19.11, luật sư Trương Quang Quý (người hỗ trợ pháp lý, hiện tạm thời điều hành Công ty TNHH Hà Linh) khẳng định công ty và gia đình vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc bắt nghi phạm sát hại bà Hà Linh (tên thật Hà Thúy Linh), Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh. Trong khi đó, người thân của bà Hà Linh đặt nhiều nghi vấn về cái chết của nữ doanh nhân này có liên quan đến việc làm ăn.

Từng bị đe dọa

Bà Hà Thị Hương (em gái bà Hà Linh) cho biết trong một thời gian dài, bà Hà Linh gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu trà Ô long sang thị trường Đài Loan. Theo bà Hương, chồng cũ của bà Hà Linh thường xuyên gây áp lực với bà nhằm không cho Công ty TNHH Hà Linh xuất khẩu trà Ô long sang thị trường này. Người này còn đe dọa nếu đối tác nào ở Đài Loan nhận tiêu thụ trà của Công ty Hà Linh hoặc có kế hoạch hợp tác làm ăn thì sẽ phóng hỏa đốt cháy cửa hàng. Do đó, trong khoảng 2 năm qua, bà Hà Linh không thể xuất khẩu trà Ô long sang Đài Loan mà chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường nội địa.

{keywords}

Bà Hà Linh khi còn sống. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Nguồn tin từ những người thân của bà Hà Linh ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) còn xác nhận chồng cũ của bà là ông Lin Chin Chuang (người Đài Loan). Ông Chuang qua Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư thì gặp bà Hà Linh. Năm 2002, hai người thành lập Công ty TNHH Haiyil (chuyên kinh doanh trà, cà phê), bà Hà Linh làm phó giám đốc. Trước khi lấy bà Hà Linh, ông Chuang đã có vợ con ở Đài Loan. Việc kinh doanh trà Haiyil khá thuận lợi khi ông Chuang phụ trách xuất khẩu còn bà Hà Linh lo tiêu thụ nội địa. Thời gian sống với nhau, bà Hà Linh thậm chí còn đem con của ông Chuang sang Việt Nam nuôi nấng, chăm sóc. Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong chuyện làm ăn, gia đình lục đục nên đến năm 2008, bà Hà Linh và ông Chuang chia tay.

Nghi vấn từ chuyện làm ăn

Theo luật sư Trương Quang Quý, trước lúc bà Hà Linh bị sát hại, một đối tác ở Trung Quốc muốn hợp tác làm ăn với Công ty TNHH Hà Linh bằng việc xúc tiến đưa sản phẩm trà Ô long sang Trung Quốc tiêu thụ. Phía đối tác Trung Quốc nhận phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đổi lại bà Hà Linh phải chấp nhận cho họ góp 20% vốn vào Công ty TNHH Hà Linh.

Từ thông tin này, luật sư Trương Quang Quý đặt nghi vấn: Có thể do bà Hà Linh có được đối tác làm ăn ở Trung Quốc khiến “đối thủ” muốn giết bà nhằm ngăn chặn công việc làm ăn. Cũng không loại trừ khả năng thỏa thuận hợp tác làm ăn kia chỉ là “chiêu dụ” bà Hà Linh sang Trung Quốc để cho đồng bọn ra tay sát hại.

Trước đó, bà Hà Linh đã có đàm phán với đối tác đến từ Trung Quốc tại TP.HCM. Luật sư Trương Quang Quý được giao soạn thảo một hợp đồng kinh tế với những điều khoản cụ thể về giá cả, lượng hàng (trà Ô long) nhưng mục khách hàng (bên mua) được bà Hà Linh cho để trống, khi sang Trung Quốc ký kết mới điền vào theo yêu cầu của đối tác. Ông Quý còn cho biết kế hoạch làm ăn giữa bà Hà Linh với đối tác Trung Quốc được thông qua một đầu mối trung gian. Bà Hà Linh có chuyển cho người môi giới một khoản tiền nhưng chưa rõ là bao nhiêu. Việc chuyển tiền qua ngân hàng có thể được thực hiện tại TP.HCM vì qua kiểm tra các ngân hàng ở Đà Lạt thì không có giao dịch này.

Một thông tin đáng chú ý khác từ người thân của bà Hà Linh là trước khi sang Trung Quốc và bị đầu độc, bà Hà Linh có chuyển sang thị trường này hơn 2 tấn trà Ô long cho một đối tác nào đó. Đến nay, 2 tấn hàng này vẫn chưa nhận được tiền.

(Theo  Người lao động)