Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, lượng người trở lại TP.HCM sinh sống và làm việc tăng cao đột biến, các dịch vụ vận tải hành khách (taxi, xe công nghệ 4 bánh) sẵn sàng chặt phí cao đối với người dân một cách không thương tiếc.

Dẫu biết rằng đây là giao dịch “thuận mua vừa bán” giữa bên sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ nhưng nhiều người cho rằng, hành vi hét giá cao trên là “chặt chém” vì khi đã xuống sân bay thì hành khách buộc phải có phương tiện mới có thể di chuyển về nhà.

Ghi nhận của PV. VietNamNet trong chiều ngày 6/2 tức mùng 6 Tết Nguyên đán, lượng hành khách tại ga đến sân bay Tân Sơn Nhất khá đông. Khách dồn từng tốp ra khỏi sảnh ga nhưng việc đặt xe về quả thực không dễ dàng.

Anh Nguyễn Thành Chương (33 tuổi) cho biết, không thể dùng ứng dụng để đặt xe công nghệ grab 4 chỗ. Anh Chương nhiều lần đặt nhưng chờ mà không có xe nhận lệnh.

Chọn taxi truyền thống, anh Chương đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu vực đường Hai Bà Trưng (Quận 1), quãng đường di chuyển chỉ khoảng hơn 5km nhưng hành khách này buộc phải trả số tiền lên tới 350.000 đồng/lượt.

{keywords}
Nhiều tài xế lợi dụng lượng khách trở lại TP.HCM tăng đột biến, sẵn sàng hét giá dịch vụ vận chuyển cao (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Rất đông hành khách hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong chiều 6/2 (ảnh: Trần Chung)

Cuốc xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) trên ứng dụng gọi xe công nghệ có giá là 139.000 đồng nhưng các tài xế chèo kéo khách ngay trong sân bay lại ra giá từ 300.000-350.000 đồng. Một tài xế khẳng định, sẽ không thể gọi được xe quanh khu vực sân bay vì các lái xe đã tắt ứng dụng.

Trong khi đó, chị Thanh Thúy bay từ sân bay Phú Bài (Huế) vào TP.HCM lúc 20h20 tối 5/2, chị Thúy phải đứng cả tiếng đồng hồ vì không thể đặt được xe công nghệ cũng như gọi taxi.

Khi chị Thúy lúng túng chưa biết làm cách nào để di chuyển về nhà thì có người lạ mặt xuất hiện hỏi địa điểm cần đến và ngã giá. Sau khi khách hàng đồng ý, người này lập tức gọi điện cho tài xế ở bên ngoài di chuyển vào đón khách.

“Họ như tài xế grab không bật máy mà đứng chờ sẵn ở ngoài vậy. Khi môi giới gọi mới vào chở khách. Tôi đi từ Tân Sơn Nhất về Big C (quận 7) bị ‘chặt’ đẹp 500.000 đồng. Mức giá trên là gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường vì mọi khi tôi đi từ nhà ra sân bay chỉ mất từ 170.000- 200.000 đồng/lượt”, Thúy nói.

Chị Tuệ Diễm bay vào TP.HCM trong tối Mùng 4 Tết, hành khách này kể lại trải nghiệm kinh hoàng khi con nhỏ đi cùng bị ốm, phải xếp hàng dài chờ đợi trong khi không thể đặt xe công nghệ. Chị Diễm buộc phải sử dụng xe trong sân bay vì không thể vạ vật hàng giờ đồng hồ trong phi trường.

“Sau 1 tiếng đồng hồ nỗ lực tôi cũng tìm được xe taxi với giá cắt cổ 450.000 đồng cho quãng đường 8km. Con nhỏ đang ốm nên giành được xe là leo lên luôn chứ không trả giá nữa”, Diễm bức xúc.

Chị Lê Xanh từ Vinh vào TP.HCM tối Mùng 3 Tết, dù đã chủ động bay sớm nhưng cô không ngờ gặp tình trạng đông đúc đến như vậy. May mắn hơn những hành khách trên, Xanh có thể đặt xe grab về nhà bình thường nhưng mức giá đặt xe cũng tăng gần gấp đôi, từ gần 200.000 đồng/lượt lên tới 360.000 đồng/lượt từ sân bay Tân Sơn Nhất về TP. Thủ Đức.

Trần Chung

Khóc thét với giá vé máy bay sau Tết: Chỉ còn hạng sang, 8-10 triệu đồng/vé

Khóc thét với giá vé máy bay sau Tết: Chỉ còn hạng sang, 8-10 triệu đồng/vé

Chặng bay vàng Hà Nội - TPHCM của Vietnam Airlines từ ngày 5/2 đến ngày 8/2 chỉ còn hạng thương gia với mức giá thấp nhất là gần 8,7 triệu đồng/vé khứ hồi, cao là gần 10,3 triệu đồng/vé.