Mai Châu là một trong những điểm "tránh nóng" được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Thung lũng nằm ở phía Tây tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 150km, không chỉ níu chân du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên, bản làng bình yên... mà còn khiến khách "đến và muốn quay lại" nhờ văn hóa truyền thống đặc sắc.
"Du lịch Mai Châu xác định biến văn hóa truyền thống thành sản phẩm độc đáo, khác biệt, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Người dân Mai Châu, ban ngày có thể là nông dân, nhưng tối về có thể trở thành các nghệ sĩ, nghệ nhân, giúp giới thiệu, quảng bá văn hóa địa phương", ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Theo ông Trường, những năm qua, huyện Mai Châu đã khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên kết hợp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bà con Mai Châu gìn giữ, khai thác hiệu quả trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca, dân vũ...
Bà Lộc Thị Sương (60 tuổi), là thành viên tích cực của đội biểu diễn "keeng loóng" địa phương. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch cộng đồng, điệu múa dân gian này được bà con "biến" thành sản phẩm du lịch.
"Loóng" có nghĩa là máng để giã lúa,"keeng loóng" tức là gõ bằng chày vào hai bên thành của máng giã lúa. Cuối năm 2023, điệu "keeng loóng" của đồng bào Thái tại Mai Châu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo bà Sương, múa keeng loóng của người Thái thường có 8 người, mỗi bên loóng có 4 người. Trong đó, có 2 người ở đầu nhỏ loóng múa bắt nhịp. Theo thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ.
Keeng loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng, tăng thêm không khí vui tươi, náo nức.
Theo bà Sương, từ khi du lịch phát triển, bà con trong thôn bản, từ người già tới trẻ nhỏ đều hào hứng, có ý thức giữ gìn các điệu múa dân tộc hơn. "Ngày đi làm vất vả nhưng tối về được trình diễn cho du khách, hay dạy cho thế hệ con cháu, tôi vui lắm. Và tất nhiên, nhờ trình diễn, chúng tôi cũng có thêm đồng ra, đồng vào, tăng thu nhập", bà Sương cho hay.
"Trong 2 đêm lưu trú ở Mai Châu, tôi không chỉ ấn tượng với không khí trong lành, mát mẻ ngay giữa mùa hè hay ẩm thực thơm ngon, mà còn rất yêu thích các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ của bà con người Thái. Họ mặc trang phục truyền thống rất đẹp, uyển chuyển trong từng động tác, khéo léo đưa những nét văn hóa truyền thống ghi dấu ấn với du khách phương xa", chị Thùy Dung, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ.
Đại diện một khách sạn ở thị trấn Mai Châu, Hòa Bình cho biết, bên cạnh trải nghiệm lưu trú, tham gia các hoạt động khám phá ngoài trời, thưởng thức ẩm thực, các buổi trình diễn văn nghệ của bà con địa phương là điểm độc đáo trong tour du lịch Mai Châu, nhận được phản hồi tốt từ du khách.
Năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 1728/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về "Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 1728/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Kế hoạch xác định, Mai Châu đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng người Thái gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tăng cường quản lý Nhà nước, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch…
Huyện đặt mục tiêu, đến năm 2025, đón 770 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 570 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.800 lao động; đến năm 2030, đón 1,1 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.340 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.900 lao động.
Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, Mai Châu triển khai hiệu quả việc thu hút đầu tư và các dự án du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đang được triển khai như: Mai Châu Lodge, Mai Châu Villas, khu du lịch làng Bích Họa, khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp thương mại du lịch Bản Lác 3, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp - Dưỡng lão quốc tế Bao La - Đồng Tân…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã thực hiện phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái, lễ hội Gầu Tào của dân tộc H'Mông, tổ chức phiên chợ vùng cao Mai Châu, chợ đêm Pà Cò… để thu hút khách du lịch.
Đến hiện tại, Mai Châu có hơn 200 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn gồm 30 khu nghỉ dưỡng và khách sạn, hơn 170 nhà nghỉ cộng đồng với 15 xóm, bản có hoạt động du lịch cộng đồng có thể đón hàng nghìn du khách mỗi ngày.
Theo ông Trường, hiện nay khách du lịch đến Mai Châu có thể lựa chọn hình thức lưu trú từ bình dân đến cao cấp. Địa phương đã đầu tư 200 xe điện đưa đón để du khách thuận tiện tham quan các bản làng, điểm du lịch trong thị trấn.
Ngoài ra, để du khách "trở lại nhiều lần không chán", Mai Châu cũng đang đầu tư phát triển sản phẩm du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm như chạy bộ, leo núi, chèo thuyền, khám phá hang động, tham quan trang trại...
Đại diện một trong những doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch ở Mai Châu cho rằng, Mai Châu có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm. Trước dịch Covid-19, xu hướng du lịch trải nghiệm tăng trưởng khoảng 25%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành là 4%. Sau dịch, du khách cần hơn các trải nghiệm đồng quê, trải nghiệm bền vững.
Nhiều đơn vị lữ hành nhận định, sức hấp dẫn của du lịch Mai Châu là từ chính bản sắc văn hoá mang đậm dấu ấn của cư dân bản địa, con người thân thiện, hiếu khách.
Linh Trang