Hơn 15 năm trước, gặp bà Cao Thị Ngọc Dung, ấn tượng của tôi về bà là một doanh nhân năng động, một phụ nữ sắc sảo và nhiều năng lượng. Bà thuộc loại nhỏ nhắn, mắt sáng, rất hay cười và khi cười nhìn bà... hiền hơn. Bình thường, bà nói chuyện một cách khoan thai, nhưng khi say mê, chú tâm đến điều gì thì bà nói nhanh và đầy sức truyền cảm. Bà được các nhân viên yêu quý, kính trọng (có thể là nể sợ nữa) bởi bà là người gây dựng PNJ ngay từ những ngày đầu khó khăn, từng lăn xả, làm mọi việc lớn nhỏ. Gặp bà Dung sau những ngày vàng "nhảy nhót", tôi được nghe bà nói về chuyện kinh doanh nữ trang, vàng miếng... đầy say mê nhưng đượm chút suy tư của một người trong cuộc.
Động não liên tục
-Thưa bà, giá vàng tăng đột ngột trong thời gian gần đây đã gây ra nhiều tâm trạng khác nhau cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Là người kinh doanh trong ngành "nóng" như thế, cảm giác của bà trong những ngày vàng "nhảy nhót" vừa rồi ra sao?
Cũng rất là "tâm trạng"! Cũng nhức đầu và mệt mỏi lắm. Nói chung lúc vàng lên xuống thất thường thì người kinh doanh phải động não nhiều hơn, phải luôn luôn suy nghĩ, tính toán và cân đối hoạt động kinh doanh; phải tính được số lượng mua vào, bán ra, tồn kho và theo dõi, cập nhật liên tục tình hình thị trường. Những lúc như thế, chỉ cần tính toán sai một chút, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn.
- Nhưng chắc các doanh nghiệp lớn và nhiều kinh nghiệm cũng dự báo được xu hướng để tính toán kinh doanh, thưa bà?
Không. Bây giờ không ai dám dự báo trước bởi thị trường vàng gần đây có rất nhiều thay đổi mà cả người tiêu dùng lẫn người kinh doanh có kinh nghiệm cũng khó lường được diễn biến. Nếu trước đây chỉ có một vài yếu tố chính ảnh hưởng lên giá vàng thì bây giờ có đến N yếu tố! Việt Nam đã mở cửa với thế giới nên bất cứ một biến động lớn nhỏ ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có thể gây tác động lên giá vàng. Tính đến bạc đầu luôn đó (cười)!
- Có một ghi nhận là thị trường vàng ở Hà Nội giao dịch nhộn nhịp hơn ở TP.HCM. Là người lâu năm trong nghề, xin bà phân tích sự khác biệt này của người tiêu dùng và nhà kinh doanh hai miền?
Tôi nghĩ là do thói quen của người dân hai miền có khác nhau. Thời điểm 1994, PNJ đã đưa máy ép vàng ra Hà Nội, nhưng thời điểm đó hầu như việc kinh doanh vàng miếng ở Hà Nội không đáng kể, PNJ phải thay đổi kế hoạch, chuyển máy móc vào lại Sài Gòn. Nhưng nay tình hình thị trường đã khác. Tôi nghĩ người Hà Nội có tiền nhàn rỗi lớn và họ chịu ảnh hưởng "tâm lý đám đông", thích "lướt sóng". Còn ở Sài Gòn, số lượng tiệm vàng đã phát triển nhiều; người Sài Gòn ít tiền nhàn rỗi hơn bởi họ có khuynh hướng có tiền thì bỏ tiền vào kinh doanh trung, dài hạn hơn là kinh doanh ngắn hạn.
Tầm nhìn thương hiệu
Bà
Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PNJ: "
Làm lãnh đạo là nhận lãnh sứ mạng tìm kiếm, kiến tạo những đỉnh cao
mới"
- Thưa bà, thị trường vàng miếng thì đang "nóng", còn nữ trang thì sao? Bà đánh giá như thế nào về các thương hiệu nữ trang nội?
Thị trường nữ trang vẫn là thị trường hấp dẫn vì đối với Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi thì ngành trang sức vẫn là một ngành mới. Khi nhu cầu nữ trang thế giới giảm trầm trọng từ 20-30% thì thị trường nữ trang của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tăng. Cụ thể nhất là PNJ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua.
PNJ đã nhìn thấy trước sự phát triển của ngành nữ trang nên từ khá sớm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ, kiểu dáng, xây dựng thương hiệu nữ trang, hệ thống phân phối... Cho đến nay, PNJ vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong ngành này. Và đương nhiên chúng tôi vẫn phải liên tục đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cũng phải nói rằng, những doanh nghiệp đi sau hưởng được nhiều thuận lợi hơn và tiếp tục khai thác thị trường. Tôi cho rằng thị trường là mở. Ai cũng có quyền tham gia sân chơi. Càng có nhiều thương hiệu nữ trang thì người tiêu dùng càng có nhiều lựa chọn hơn.
Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài hạn. Nếu nhìn lại lịch sử của các thương hiệu có ảnh hưởng toàn cầu thì thấy họ đã phát triển hàng chục đến hàng trăm năm, do đó nếu chúng ta kiên trì và có hướng đi đúng thì Việt Nam cũng sẽ có những thương hiệu lớn, đáng tự hào và PNJ sẽ kiên trì phấn đấu theo hướng đó để xây dựng được thương hiệu trang sức mang tầm quốc tế.
- Bà đánh giá ngành nữ trang của Việt Nam so với Thái Lan hay các nước trong khu vực ra sao?
Công nghiệp nữ trang của mình còn có khoảng cách xa lắm so với Thái Lan. Họ có cả một ngành công nghiệp nữ trang và đã đi trước Việt Nam nhiều năm rồi. Họ được đầu tư bài bản và được nhà nước hỗ trợ để phát triển.
Ngành công nghiệp nữ trang cũng là một ngành rất đặc biệt. Các nước làm ăn với nhau dựa trên uy tín, mối lái, quen biết và có những "thông lệ" riêng. Chẳng hạn có năm PNJ chào hàng với một đối tác ở Dubai, nhưng rút cuộc không thể thực hiện được thương vụ vì họ đã quen làm ăn theo kiểu có người quen giới thiệu, chào hàng, chốt giá, chuyển hàng và trả tiền. Không có chuyện mở tín dụng thư gì ở đây cả. Làm kiểu đó, mình không dám.
Tiên phong lập đỉnh cao mới
Là nhà kinh doanh, có thể nói bà Dung là một trong số ít những CEO liên tục học hỏi từ thị trường. Bà là một trong những người lãnh đạo dám dùng "tư vấn ngoại" vào thời điểm năm 1995 (từ Hội đồng Vàng Thế giới). Năm 2006, bà là người tiên phong mời ông Richard Moore - Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Asociate (Mỹ) về giúp PNJ xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp CAO. Bà còn là người tiên phong áp dụng ERP trong quản trị doanh nghiệp và liên tục học hỏi những kinh nghiệm quản trị mới...
- Về mặt quản trị, PNJ cũng là một trong những công ty tiên phong sử dụng ERP- một hệ thống quản trị doanh nghiệp bằng công nghệ thông tin. Đến thời điểm này, bà nhìn thấy việc ứng dụng ERP đã như mong muốn?
Năm 2006-2007, việc sản xuất, kinh doanh phát triển đến một mức độ rộng lớn, người quản lý phải có được những công cụ hiệu quả để xử lý thông tin và ra quyết định được dựa trên những số liệu đáng tin cậy. Chúng tôi đã mạnh dạn làm điều này dù tốn thời gian, tiền bạc và công sức nữa. Nói thành công thì cũng chưa hẳn, nhưng tạm thời chúng tôi có thể sử dụng cái gần giống như ERP để hệ thống hóa các công việc và xử lý thông tin cho kinh doanh một cách tốt nhất.
- Vậy kinh nghiệm của bà làm ERP là gì?
Phải có quyết tâm, kỷ luật và kiên trì. Không chỉ quyết tâm của lãnh đạo mà còn là quyết tâm của cả tập thể.
- Thưa bà, đứng trên quan điểm đầu tư, hiện nay PNJ đang tham gia góp vốn trong một số đơn vị, ngành nghề khác. Xin bà chia sẻ về các nguyên tắc đầu tư?
Ông bà mình nói "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Với PNJ, ngành nữ trang, thời trang vẫn là cái lõi lớn nhất, mạnh nhất mà PNJ đeo đuổi lâu dài. Nhưng tôi cho rằng là nhà kinh doanh, ai cũng vậy, khi nhìn thấy cơ hội thì phải biết đón bắt thời cơ. Điều quan trọng là phải có chiến lược và chiến thuật. Phải biết thế mạnh của mình, biết được thời điểm, dự báo được thị trường và không quá sa đà vào quá nhiều thứ làm phân tán mất sức mạnh. Nhiều năm trước PNJ cũng đầu tư vào gas, kinh doanh xe máy, ngân hàng, địa ốc, năng lượng... Nhìn lại lịch sử phát triển của Công ty, nói thật là nếu chỉ có kinh doanh nữ trang, vàng thôi thì PNJ cũng không phát triển lớn mạnh như hôm nay. Quan trọng nhất của chuyện đầu tư kinh doanh là phải có một nền tảng vững vàng. Làm gì thì làm cũng phải đầu tư, phát triển năng lực lõi của mình. Phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng và một tầm nhìn xa.
- Phát triển trong nhiều lĩnh vực, vậy đâu là tài sản lớn nhất của PNJ?
Đến lúc này PNJ tự hào tài sản lớn nhất của mình chính là con người và tri thức. Chúng tôi đã nhận thấy phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa lẫn xây dựng nguồn lực thì doanh nghiệp mới vững mạnh.
- Cho đến thời điểm này bà có tìm được người kế thừa để gánh vác trách nhiệm, đeo đuổi trọng trách và dấn thân ở PNJ chưa?
Đương nhiên là có, nhưng cũng cần thêm thời gian, phải xây dựng một cơ chế để chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng và tạo điều kiện để những cán bộ chủ chốt của mình gánh vác dần trách nhiệm. Ở PNJ, tôi vẫn nói với những người cấp phó của mình là cứ mạnh dạn phản biện, đưa ra đề xuất, phương án giải quyết. Không có ai hoàn hảo. Tôi cũng có thể sai. Vì thế tôi cho phép cán bộ của tôi có thể sai đến 40%, để khi lên đến mình, sai sót còn 20% hoặc ít hơn nữa.
Cũng có tâm lý là trước đây vì mình muốn giải quyết mọi chuyện cho nhanh nên tất cả đều do mình quyết định. Nay, phải phân quyền và chuyển giao dần để đội ngũ kế thừa của PNJ tự tin và dám làm, dám chịu.
- Nếu nói như vậy, ngay lúc này, nếu giao hết mọi việc cho đội ngũ quản lý của PNJ để bà... nghỉ hưu chẳng hạn, bà có yên tâm?
Bài viết được thực hiện dưới sự phối hợp của chương trình "Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp". Đây là giải thưởng uy tín quốc tế dành cho doanh nhân được tổ chức Ernst & Young sáng lập từ năm 1986, lần đầu tiên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và phối hợp với Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đồng tổ chức tại Việt Nam năm 2011. NH Techcombank là nhà tài trợ chính cho giải thưởng này. |
(Cười). Thật ra nếu giao quyền hết và nghỉ luôn, không ngó ngàng gì đến "đứa con" của mình thì chưa được. Tôi nghĩ là cũng cần thêm ít nhất vài năm nữa. Nhưng hiện tại, tôi vẫn có thể đi đâu đó trong vòng một tháng, không can dự gì vào hoạt động của công ty mà các bộ phận vẫn hoạt động nhịp nhàng.
- Cảm ơn bà đã trả lời thẳng thắn. Thật ra, mọi người vẫn nói bà may mắn có ngân hàng Đông Á sát cánh kề vai, có phu quân - ông Trần Phương Bình - hỗ trợ rất nhiều. Bà nghĩ sao về điều này?
Chúng tôi vừa là vợ chồng, vừa là đồng nghiệp nên có nhiều điểm tương đồng có thể chia sẻ với nhau. Trong đời sống gia đình, anh ấy chia sẻ với tôi nhiều điều. Còn trong công việc, chúng tôi hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi cũng là hai người bạn rất thân nên có thể phản biện cho nhau để tìm ra phương án khả thi và tối ưu nhất.
- Trong gần 25 năm kinh doanh, bà nghiệm ra điều gì là quan trọng nhất?
Làm kinh doanh là nhận lãnh sứ mạng tìm kiếm, kiến tạo những đỉnh cao mới. Ngay khi mình đứng ở đỉnh cao này thì từ trước đó đã phải để mắt tìm kiếm một đỉnh cao mới và lèo lái doanh nghiệp của mình trèo lên. Không phải đợi đến khi thị trường xuống mới đi tìm một thị trường khác. Phải liên tục tìm kiếm và chinh phục những đỉnh cao mới!
- Xin hỏi ông bà có định hướng cho hai người con của mình theo nghề của gia đình?
Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng nên Công ty PNJ và Ngân hàng Đông Á, tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ đó là sự nghiệp của gia đình mình, mà là của công chúng. Do đó việc các con có đi theo con đường kinh doanh như bố mẹ hay không thì trong gia đình chúng tôi không đặt ra. Các con tôi luôn được khuyến khích chọn lựa ngành học và việc làm được yêu thích, cho đến giờ này chúng chưa định hướng vào kinh doanh. Nhưng nếu các con tôi chọn ngành kinh doanh và chọn PNJ hay Ngân hàng Đông Á để cống hiến thì đó cũng sẽ là niềm hạnh phúc của chúng tôi.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Doanh Nhân