Mỹ và Trung Quốc đang có cuộc đối thoại thường niên ở Washington giữa bầu không khí nghi ngờ và bất đồng liên quan đến những căng thẳng song phương về an ninh trên mạng và trên biển.

TIN BÀI KHÁC:

Trong hôm nay (23/6), các quan chức cấp cao của hai bên sẽ có một cuộc họp quan trọng. Đoàn đại biểu Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Kinh tế Jacob Lew, sẽ ngồi vào bàn đàm phán cùng phái đoàn của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu Yandong dẫn đầu. 

{keywords}
Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung diễn ra trong 3 ngày ở Washington. (Ảnh: SoftPedia)

Tờ Nhật báo Trung Quốc gọi cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung hàng năm (S&ED) là cách thức "để bàn cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 9".

Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết S&ED sẽ tập trung "giải quyết những thách thức và cơ hội mà cả hai nước đang đối mặt ở một loạt các lĩnh vực toàn cầu, khu vực và song phương của lợi ích chiến lược - kinh tế trung và dài hạn".

Theo hãng tin CBS News, đối thoại sẽ bao trùm nhiều vấn đề, nhưng theo giới phân tích, một số chủ đề là đặc biệt quan trọng và có thể tác động sâu rộng lên mối quan hệ Trung - Mỹ.

Tội phạm mạng

Các quan chức ỏ Washington mới đây cáo buộc tin tặc từ Trung Quốc đã thâm nhập dữ liệu quân nhân và tình báo Mỹ.

Thực trạng này bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong các hệ thống quốc phòng của chính phủ Mỹ trước nạn tấn công mạng song theo cựu Giám đốc Chi nhánh An ninh mạng của FBI, tin tặc Trung Quốc còn nhắm tới cả ngành thương mại của Mỹ, tìm cách tiếp cận dữ liệu liên quan đến nghiên cứu và phát triển, cùng nhiều tài sản thương mại.

Bắc Kinh khẳng định không liên quan đến bất kỳ một cuộc tấn công mạng nào như thế. Một phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc ở Washington, D.C. gọi các cáo buộc là "không có trách nhiệm và phản tác dụng".

Toàn cầu hóa

Do tính chất 24/7 của thương mại quốc tế và sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế Mỹ - Trung, "quả là đáng buồn cười khi Trung Quốc và Mỹ, hai nước hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa kinh tế, lại dường như đang đang tạo dựng những khối kinh tế riêng rẽ", Giám đốc Cheng Li của Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, nhận xét.

Mới đây, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á trong một động thái mà nhiều nhà phân tích nhìn nhận là thách thức trực tiếp đối với các thể chế kinh tế do Mỹ chi phối như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một lo ngại nữa là sau nhiều thập niên đạt mức tăng trưởng lịch sử, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm dần, trong khi kinh tế Mỹ dường như đang lấy lại được đà. Và nhiều nhà quan sát Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ các số liệu GDP hiện thời của Bắc Kinh.

Địa chính trị

Trung Quốc đã làm dấy lên căng thẳng ở Đông Nam Á khi tăng cường các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cải tạo các đảo gần các hải trình quốc tế quan trọng.

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại, khoảng một nửa số chuyến tàu chở dầu của thế giới đi qua Biển Đông hàng năm, trong khi 5 trong 10 cảng hàng đầu thế giới tập trung trong khu vực.

Đầu tháng này, Tổng thống Obama đã yêu cầu Trung Quốc dừng chèn ép các nước khác để chứng minh chủ quyền của mình ở vùng tranh chấp.

Rõ ràng trong đối thoại năm nay, đại diện của cả hai bên có rất nhiều vấn đề cần phải bàn bạc.

Thanh Hảo