Ngày mà ngoại còn móm mém nhai trầu, từng kể, ba là chàng rể do chính tay ngoại chọn. Cái thời còn “vâng ý cha mẹ, nghe lời mai mối”, ba thường tới nhà trò chuyện cùng ngoại, khi thì xách theo ít trái cây, lúc thì mang tới hộp bánh in vừa mua ở chợ.

Kể ra, số lần ba nói chuyện cùng ngoại còn nhiều hơn là với mẹ. Nói ba xin cưới mẹ, chẳng thà nói ba xin làm rể của ngoại. 

Ngoại là thương binh, chồng là liệt sĩ. Nếu mẹ tôi về quê của ba làm dâu, ngoại ngoài này sẽ chẳng có ai chăm sóc. Dù sao nội cũng có mười mấy người con ở gần đấy, nên ba cũng đỡ lo phần nào. Thế là ba quyết định mua đất rồi xây sát bên nhà ngoại để tiện chăm sóc cho mẹ vợ.

Ngày ấy, ai cũng trêu chọc ba khi thấy ông đồng ý “ở rể”. Ba chỉ cười xòa cho qua. Ông bảo với chúng tôi, dâu rể gì cũng như nhau, lý nào chỉ bắt mình mẹ phải làm tròn bổn phận. Nhà ngoại thiếu đi cánh tay của nam giới, cần một người con rể để chăm nom. Nghe ba nói thế, tôi biết ngoại đã chọn đúng chàng rể hiền. 

Thấy ngoại thích nuôi gà, ba liền đi chặt cây, xây chuồng, rồi rào lưới để gà không phá luống rau sau vườn. Biết ngoại thích hoa cỏ, tết nào ba cũng tới chợ, tự tay lựa những chậu cúc đẹp nhất để đem về chưng trong sân.

Nhớ nhất những lần ba mẹ cãi nhau, ngoại xót con gái, cầm bó bã mía qua nhà đánh vào chân ba mấy cái. Ba ngồi im chẳng né, chờ ngoại đánh xong rồi mới lí nhí: “Con xin lỗi mẹ”. Lúc đó, đôi mắt cả hai đều đỏ hoe.

Xung đột là không tránh khỏi trong mỗi gia đình, nhưng sau tất cả, mọi người đều ở lại vì tình thương dành cho nhau. Đó mới là điều đáng quý nhất. 

chang re.jpg
Ba đi mua những chậu hoa đẹp về đặt trước sân nhà ngoại

Năm ngoại bị ung thư, trời đất trước mắt chúng tôi như đổ sập. Chúng tôi mới chỉ học cấp một, còn mẹ đã mất sức lao động vì đau ốm mấy năm nay.

Không có ai chăm ngoại, ba đành tạm nghỉ hết công việc, khăn gói dẫn ngoại vào TPHCM để chữa trị. Nhà vốn chẳng có điều kiện gì, nên lúc nào ngoại cũng phải nằm chen chúc trong căn phòng với nhiều bệnh nhân ghép lại. Ba ngủ tạm ngoài hành lang, hoặc là nằm ngay dưới sàn nhà cạnh giường ngoại.

Mấy ai từng chăm người nhà trong bệnh viện chắc sẽ thấu hiểu cái cực nhọc khi ở đấy. Mình ba chạy tới, chạy lui lo liệu các thủ tục, chăm sóc từng bữa ăn cho ngoại, rồi còn đôn đáo đi xoay tiền viện phí. Để tiết kiệm, ông toàn phải xếp hàng nhận cơm từ thiện để ăn. Nhiều nơi xa quá cũng chỉ đi bộ mà chẳng dám bắt xe ôm.

Lúc bệnh viện bảo hết nguồn máu dự trữ, ông còn đi hiến cho ngoại số máu cần cho cuộc phẫu thuật dài. Người đàn ông vốn đã gầy gò lại càng ốm yếu hơn, nhưng chưa bao giờ ông than vãn hay trách móc điều gì.

Mấy bệnh nhân khác đều nghĩ ba là con trai ruột, chứ chẳng nghĩ ông chỉ là con rể. Vậy mới thấy, ba đã thực sự coi ngoại là mẹ của mình. 

Ba chẳng phải là người hoàn hảo, không phải vĩ nhân hay người thành đạt trong xã hội. Ông chỉ là một ngư dân nghèo có tâm hồn rộng mở. Nhưng có lẽ với ngoại, ba chính là một chàng rể vàng mười. 

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Những chàng rể "vàng mười". Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp câu chuyện về chàng rể của gia đình mình. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].

Cương Trúc