Thông tin được ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số, ngày 19/10.
Ông Trọng cho hay tại Việt Nam tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang rất báo động. Vấn đề cần đặt ra tình trạng mua thuốc quá dễ dàng.
Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam chỉ ra 3 bất cập lớn nếu tiếp tục kê đơn thuốc giấy (bằng kê tay trên sổ y bạ hoặc đơn rời hay kê bằng máy tính trên phần mềm).
Thứ nhất, đơn thuốc giấy không xác minh được tính chính xác của đơn, đơn có thật hay không, người kê đơn hay cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền hay không.
Thứ hai, đơn thuốc giấy cũng không thể xác nhận được cập nhật trạng thái đơn (đã bán/mua thuốc toàn phần hay một phần), dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn.
Thứ ba, đơn thuốc giấy sẽ không quản lý được thời hạn đơn, trong khi quy định hiện nay thuốc kê đơn tối đa là 5 ngày (kể từ ngày kê đơn) nhưng nhiều người dân vẫn mua được thuốc dù cầm đơn thuốc cả nhiều năm trước.
"Việc sử dụng đơn thuốc giấy không thể quản lý được bán thuốc theo đơn", ông Trọng nhận định. Chưa kể hiện vẫn còn những trường hợp chữ bác sĩ trên đơn thuốc kê tay như "đánh đố" người bệnh, nhân viên bán thuốc và cả cán bộ y tế, có thể dẫn đến việc bán sai loại thuốc, dùng sai liều...
Vì vậy, ông Trọng cho rằng việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia, bất kể thuốc được kê tại cơ sở y tế công lập, tư nhân, bệnh viện hay phòng khám, là cần thiết. Điều này giúp đảm bảo minh bạch đơn thuốc, sử dụng thuốc an toàn cho người dân, quản lý hành nghề của bác sĩ...
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch. Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc - những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn.
Dự kiến, mỗi năm hệ thống này có thể lưu trữ tới 600 triệu đơn thuốc. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, đến nay, mới chỉ có 200 triệu đơn thuốc được liên thông từ hơn 20.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 100.000 bác sĩ được cấp mã.
"Hệ thống đã có, tuy nhiên chưa được thực hiện hiệu quả". Trên toàn quốc, chỉ có khoảng 1.000 bệnh viện đang thực hiện liên thông đơn thuốc Quốc gia, đạt gần 70%. Hơn 460 bệnh viện chưa triển khai liên thông. Số cơ sở khám chữa bệnh và bác sĩ được cấp mã đơn chỉ chiếm khoảng một nửa số cơ sở và người kê đơn thuốc trên toàn quốc. Đối với nhóm trạm y tế hay cơ sở y tế tư nhân càng ít ỏi hơn.
"Không ít bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TPHCM chưa từng có một đơn thuốc nào liên thông lên hệ thống này", ông Trọng nói với VietNamNet bên lề hội thảo.