MV Để ai cần của B Ray kết hợp Young H và Hipz phát hành ngày 25/12, hút 400 nghìn lượt xem và hơn 660 bình luận, đang xếp hạng 10 trong danh mục âm nhạc thịnh hành của YouTube.
Bài thuộc thể loại rap diss (rap chiến) xoay quanh thái độ thù hằn của chàng trai đối với người yêu cũ bội bạc, lăng nhăng. Dù tiêu đề là Để ai cần, cụm từ này bị rapper Young H cố ý phát âm khác đi thành nghĩa chửi bậy, lặp lại nhiều lần xuyên suốt bài rap.
Trong phần rap của mình, B Ray nguyền rủa nhân vật người yêu cũ thậm tệ như: gặp tai nạn (Mong dép em kẹp thang cuốn/ Anh mong mỗi lần em leo cầu thang là chân bị hụt), bị bệnh ung thư (Anh mong em đánh bại được ung thư/ Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa), sống không hạnh phúc (Anh mong những ngày tệ nhất sẽ đến với em mỗi khi bầu trời trong xanh/ Tính chuyện gì cũng không thành), xuống địa ngục sau khi chết (Chúc em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ/ Và thức giấc là ở dưới địa ngục)...
Đáng lưu ý, B Ray còn rap tục: "Chỉ vì một cái hôn, anh thề lúc đó anh ngu *** ***". Những từ phản cảm trong bài được can thiệp bằng kỹ thuật phòng thu vẫn nghe khá rõ nội dung gốc cùng ý đồ của những rapper này.
Trên một diễn đàn Facebook, một người dùng mạng dẫn phần lời bài Để ai cần và bình luận: "Trù người ta chết như vậy, không biết người yêu cũ đã làm gì anh ấy nhỉ?" hút hàng nghìn bình luận.
Tài khoản Tran Choco viết: "Chưa bàn về ngôn từ, bài rap thực sự cho thấy B Ray có vấn đề về quan điểm và đạo đức khi trù ẻo người yêu cũ như vậy".
Tài khoản Thanh An Nguyễn viết: "Hôm trước lướt TikTok thấy mọi người khen lấy khen để, tôi còn hoài nghi chính mình. Trong khi nghe đến câu thứ 2, tôi đã không thể tiếp tục vì lời lẽ quá kinh khủng".
Tài khoản Khánh Linh nêu quan điểm: "Ca sĩ gì mà không có tí văn hoá nào, dù có nhắm tới người yêu cũ thật hay không đều thật sự tệ hại". Tài khoản Thủy Tiên đồng tình: "Quan điểm lệch lạc, viết lời độc ác, phản cảm lại tưởng thế là hay".
Rapper B Ray xuất thân underground, bắt đầu rap tiếng Việt từ năm 2012. Khoảng năm 2015, anh từng kết hợp Young H ra mắt loạt sản phẩm phản cảm, gây tranh cãi dữ dội suốt thời gian dài.
Đến khoảng năm 2018 - 2019, sau giai đoạn khó khăn, B Ray mới trở lại kết hợp cùng một số nghệ sĩ showbiz. Kể từ thời điểm này, anh hoạt động mainstream đến nay.
Khác thời hoạt động underground nghiệp dư trong phạm vi cộng đồng, B Ray hiện tại được khán giả đại chúng biết đến rộng rãi, ngoài hoạt động âm nhạc còn tham gia chương trình truyền hình, đóng quảng cáo, làm việc với báo chí...
Là nghệ sĩ mainstream, anh có trách nhiệm với khán giả đại chúng đồng thời là đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTT&DL ban hành.
Vì vậy, việc B Ray phát hành sản phẩm phản cảm khó thể chấp nhận ở nhiều khía cạnh.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Quốc Cường - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam - nhận định nội dung bài rap Để ai cần có dấu hiệu vi phạm khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Cụ thể, sản phẩm có thể được xem là phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức và tâm lý xã hội.
Ngoài ra, với tư cách nghệ sĩ, B Ray có thể vi phạm khoản 8 Điều 5 Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật theo quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021, cụ thể là không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.
Một biên tập viên lĩnh vực âm nhạc cho hay khi nghệ sĩ có sự ảnh hưởng tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, phải tự ý thức tạo ra những sản phẩm có yếu tố "thẩm mỹ".
"Không thể bao biện rap là văn hóa đường phố để bất chấp sự dung tục, nhất là khi B Ray có lượng khán giả trẻ rất đông. Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đều hướng đến sự phát triển và văn minh, và sản phẩm dung tục đi ngược lại điều đó. Rất quan ngại khi sản phẩm này lọt top 10 danh mục âm nhạc thịnh hành của YouTube", người này cho hay.
B Ray không phải trường hợp duy nhất gây tranh cãi. Trước đó, rapper Rhymastic - hoạt động mainstream nhiều năm vẫn ra bài rap diss YC - Tượng có nhiều ca từ tục tĩu khó chấp nhận.