Từ trung tâm Brisbane (thủ phủ của Queensland, một tiểu bang nằm ở đông bắc Australia) ra ngoại ô, trong vòng 40 phút lái xe, chỉ có một con đường thẳng tắp dẫn tới Park Ridge. Khu vực này được chính phủ Australia xác định là vùng hẻo lánh, nơi tưởng như chỉ có tiếng gió và tiếng chó sói hú bên vệ đường khói bụi, khung cảnh hoang vắng đến rợn người.
“Chào mừng đến với Brisbane”, một lời chào thân mật cắt ngang sự im lặng chết chóc của không gian. Ông Bố Lí Tư (74 tuổi), nhà cung cấp rau của siêu thị Trung Quốc lớn nhất Brisbane thường mở đầu câu chuyện với khách viếng thăm bằng chất giọng Hakka quen thuộc. Từng là chủ một nhà máy chế biến thủy tinh ở Tân Trúc (thành phố lớn nằm tại phía bắc Đài Loan), năm 1992, để mang lại cho cha mẹ và các em một môi trường sống tốt hơn, ông quyết định nhập cư vào Australia.
Với kinh nghiệm làm nông từ nhỏ, Bố Lí Tư quyết định bắt đầu công việc làm trang trại rau sạch tại Brisbane. “Ban đầu, tôi trồng gừng, ổi và dưa chuột nhưng đều thất bại bởi thổ nhưỡng tại đây có độ PH cao và cằn cỗi, thiếu độ ẩm”. Nhìn cánh đồng trơ trọi, ông nghĩ đến việc dùng phân hữu cơ để cải tạo chất đất và áp dụng các tiến bộ công nghệ mới trong canh tác, cuối cùng đã thành công.
Tuy nhiên, hình thức canh tác này đắt hơn nhiều so với phương thức canh tác quy mô lớn và quảng canh của nông dân địa phương, đòi hỏi tiêu tốn công sức và thời gian dài. Dần dà, danh tiếng sản phẩm từ nông trại của ông được nhiều người biết đến, Bố Lí Tư bắt đầu mở rộng các chủng loại nông sản và từng bước trở thành nhà cung cấp rau lớn nhất cho các nhà hàng, siêu thị tại Brisbane.
Bố Lí Tư là một trong những người nông dân điển hình biết nắm bắt cơ hội và xây dựng thị trường dựa trên công nghệ từ nguồn nông sản chất lượng cao ở Australia.
Môi trường thương mại cởi mở
Trong lịch sử, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Australia, giống như ở Mỹ. Gần đây, nông nghiệp Australia ngày càng trở nên đa dạng nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% GDP và sử dụng trực tiếp khoảng 4% tổng lực lượng lao động. Trong khi đóng góp của ngành vào GDP là nhỏ, các mặt hàng nông sản thô và chưa qua chế biến mang lại khoảng 1/4 tổng thu nhập xuất khẩu của Australia mỗi năm. Australia xuất khẩu nhiều nông sản hơn nhập khẩu.
Các hiệp định thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo khả năng cạnh tranh thị trường và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Australia đã đàm phán thành công các hiệp định thương mại với nhiều đối tác lớn. Tuy nhiên, không ít nhà xuất khẩu nông sản quy mô khác cũng đã theo đuổi những thỏa thuận của riêng họ, đôi khi đạt được kết quả tương tự hoặc thậm chí tốt hơn.
Việc đạt được những lợi ích liên tục đối với thương mại tự do hóa sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán của Australia tiếp tục tập trung vào những rào cản truyền thống, chẳng hạn như thuế quan và hạn ngạch thuế quan, cùng với việc tiếp cận thị trường kỹ thuật rộng rãi hơn và cam kết đa phương.
Nền nông nghiệp Australia có một lịch sử lâu đời phụ thuộc vào thị trường thế giới. Từ những năm đầu xuất khẩu len và ngũ cốc sang Châu Âu, hiện nay Australia sản xuất nhiều loại hàng hóa và số lượng thị trường mà nước này xuất khẩu đã mở rộng đáng kể. Sự tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy bởi việc áp dụng các công nghệ mới và mở rộng diện tích canh tác.
Australia hiện nằm trong số 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với lĩnh vực này xuất khẩu khoảng 70% sản lượng đến 192 quốc gia. Thành công này trên trường thế giới không thể đạt được nếu không có quan hệ đối tác của chính phủ và ngành, để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường trên các thị trường toàn cầu.
Việc tiếp cận đó cũng được hỗ trợ theo thời gian thông qua kết quả đàm phán tại các diễn đàn đa phương, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại ưu đãi (có thể là song phương hoặc đa phương) và thông qua các giao thức an toàn sinh học đã được thống nhất.
Mở rộng thị trường bằng các hiệp định thương mại
Giai đoạn 2019-2020, xuất khẩu nông sản của Australia đã tăng 20% lên 48,4 tỷ USD. Sự tăng trưởng đó có thể trực tiếp nhờ vào thương mại trong khu vực châu Á và gián tiếp nhờ các FTA của Australia với một số nước châu Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thị phần của Australia trong tổng xuất khẩu nông sản sang châu Á tăng từ 52% trong giai đoạn 1999-2000 lên 76% trong giai đoạn 2019-2020.
Trong vòng 10 năm, Australia đã ký 9 FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) gần đây nhất. Tính đến tháng 7/2020, Australia đã có 14 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã đàm phán nhưng chưa có hiệu lực và 4 FTA đang đàm phán. Trong giai đoạn 2019-2020, 81% xuất khẩu nông sản của Australia được dành cho các quốc gia mà họ có hiệp định thương mại ưu đãi.
Hệ quả từ việc gia tăng các hiệp định thương mại của Australia là những thỏa thuận riêng biệt, có thể áp dụng cho các quốc gia giống nhau. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) là các thỏa thuận đa phương bao gồm nhiều bên, trong đó có một số bên mà Australia cũng có thỏa thuận song phương.
Nhiều hiệp định với cùng một quốc gia mang lại tự do hóa thương mại lớn hơn và có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Nhược điểm của nhiều hiệp định với một đối tác là chúng làm tăng tính phức tạp của bối cảnh thương mại đối với các nhà xuất khẩu, những người cần hiểu và điều hướng các điều khoản của nhiều hiệp định thương mại sang quốc gia đó.
Sự phức tạp của các hiệp định thương mại gần đây là rõ ràng trong phạm vi rộng hơn của các yêu cầu tiếp cận thị trường kỹ thuật ngoài thuế quan, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Những yêu cầu này có thể làm tăng chi phí của nhà xuất khẩu, đặc biệt là khi có sự khác biệt giữa các quy tắc kỹ thuật có thể rõ ràng trong một hiệp định nhưng không rõ ràng trong hiệp định khác.
Quy mô thị trường thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ trong sản xuất
Trên thực tế, Australia không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi các hiệp định thương mại ưu đãi. Sau sự đình trệ của Vòng đàm phán Doha, đã có sự gia tăng của các hiệp định thương mại khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm những kết quả thương mại có thể thực hiện nhanh hơn. Tính đến ngày 1/7/2020, đã có 305 hiệp định thương mại có hiệu lực trên toàn cầu.
Ưu tiên hiện tại của ngành nông nghiệp Australia sẽ tiếp tục là tiếp cận các thị trường xuất khẩu và cạnh tranh trên các thị trường đó. Chính vì vậy, Australia đang tăng cường thúc đẩy các công nghệ mới trong sản xuất, canh tác và các nền tảng số để gắn kết nhà đầu tư, nhà xuất khẩu, đối tác nghiên cứu và người nông dân.
Bên cạnh đó, chính phủ Australia cũng khởi động Food Agility CRC, một dự án nhằm khuyến khích đổi mới và đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp công nghệ, nhờ ứng dụng Big Data, IoT nhằm hướng tới những nông sản chất lượng cao, đảm bảo hiệu quả kinh tế và duy trì thị trường.
Bằng kế hoạch Nông nghiệp 4.0 với kinh phí đầu tư 600 triệu đô la Australia (khoảng 405 triệu USD) vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp, chính phủ nước này hy vọng sẽ tăng giá trị sản lượng nông nghiệp từ 59,978 tỷ đô la Australia (khoảng 46 tỷ USD) hiện nay lên 100 tỷ đô la Australia (khoảng 77 tỷ USD) vào năm 2030.
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đang hỗ trợ các hộ nông dân để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử là Postmart và Voso để giúp họ bán sản phẩm ra toàn quốc. Bộ TT&TT kỳ vọng với cách này sẽ giúp hàng chục triệu hộ nông dân có được thị trường lớn và bán được sản phẩm của họ với giá cao, đồng thời người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm có nguồn ngốc và chất lương rõ ràng. Bộ TT&TT đã xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Điệp Lưu
Nông nghiệp Brazil ứng dụng công nghệ thông minh như thế nào?
Một số câu chuyện ở Brazil, như sự thịnh hành của robot cho lợn ăn hay dự án 5G hỗ trợ người trồng đậu nành, cho thấy ngành nông nghiệp có thể được ứng dụng công nghệ như thế nào.