- Các nước phương Tây tiếp tục dồn áp lực lên Nga của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế nước này có dấu hiệu chưa được như mong muốn, thậm chí phản tác dụng và tình hình tại Ukraine vẫn chưa thoát khỏi tồi tệ.
Gia tăng áp lực kinh tế
Tờ USAToday cho biết, ngày 22/6, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga thêm 6 tháng, kéo dài cho đến cuối tháng 1/2016 với mục đích duy trì áp lực lên Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Quyết định được thông qua nhanh chóng, không cần chờ thảo luận tại Hội nghị ngoại trưởng EU tại Luxembourg và được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt các quan chức Nga cảnh báo sẽ trả đũa đối với các lệnh trừng phạt của EU.
Các lệnh trừng phạt này tiếp tục hạn chế Nga tiếp cận một số thị trường tài chính; cấm EU trao đổi và chuyển giao một số công nghệ với Nga trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng; cấm đi lại và phong tỏa tài khoản của một số quan chức Nga.
Cùng với việc giá dầu giảm mạnh, các lệnh trừng phạt kinh tế của EU đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo hồi cuối 2014 và đầu 2015. Quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt có thể là đòn đánh vào một nền kinh tế của Nga vừa mới vượt qua thời kỳ khó khăn nhất nhưng còn dễ tổn thương.
Đây cũng là tin xấu tiếp theo đối với chính quyền Tổng thống Putin. Hồi cuối tuần trước, Bỉ và Pháp đã bất ngờ ra lệnh phong tỏa tài sản của các pháp nhân Nga theo yêu cầu từ phía Công ty Yukos nhằm thực thi phán quyết của tòa trọng tài thường trực La Haye đưa ra hồi giữa năm 2014 sau 7 năm xem xét, yêu cầu Nga bồi thường tổng cộng 50 tỷ USD cho các cổ đông và các nhân viên cũ của Công ty Yukos.
Cùng với việc giá dầu giảm mạnh, các lệnh trừng phạt kinh tế của EU đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo hồi cuối 2014 và đầu 2015 |
Theo tờ RT, ngày 19/6, tại Bỉ, hàng chục tổ chức của Nga và quốc tế đại diện cho lợi ích của Nga ở Bỉ, bao gồm cả đại sứ quán Nga, các cơ quan đại diện của Nga tại EU và NATO, các ngân hàng và báo chí Nga, đã nhận được thông báo của tòa án yêu cầu trong 15 ngày phải trao danh sách tài sản. Tài khoản của các tổ chức này bị phong tỏa.
Còn tại Pháp, ngân hàng VTB của Nga thông báo tài khoản của các công ty và cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan báo chí của Nga mở tại chi nhánh ngân hàng này ở Pháp đã bị phong tỏa.
Theo phán quyết hồi tháng 6/2014, Tòa án La Haye nhận định Nga giải thể Công ty Yukos vì động cơ chính trị, các quan chức Nga đã lũng đoạn hệ thống pháp lý để làm cho Yukos phá sản. Tuy nhiên, Nga không công nhận phán quyết. Công ty Yukos đã bị chính quyền Nga tuyên bố phá sản và thanh lý toàn bộ tài sản sau khi ông trùm tài phiệt Mikhail Khodorkovsky bị bắt năm 2003 về tội rửa tiền và ăn trộm dầu mỏ.
Cũng theo tờ báo này, cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Ash Carter cho biết, nước này và các đồng minh thuộc NATO đang chuẩn bị kế hoạch đối phó lâu dài với Nga, có thể sẽ kéo dài qua cả thời của ông Putin.
Nga đáp trả, EU tiếp tục lao đao?
Đáp trả lại động thái gia hạn các lệnh trừng phạt của EU, Nga ngay lập tức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nhiều nông sản từ các nước EU theo nguyên tắc “có đi có lại”. Lệnh cấm này của Nga được đánh giá đã gây thiệt hại đối với cả chục triệu chủ trang trại sản xuất nông nghiệp tại EU và làm hàng trăm nghìn người châu Âu mất việc.
Đáp trả lại động thái gia hạn các lệnh trừng phạt của EU, Nga ngay lập tức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nhiều nông sản từ các nước EU theo nguyên tắc “có đi có lại”. |
Tính tổng thể, một số đánh giá cho thấy, các lệnh trừng phạt chống Nga và những biện pháp đáp trả của Moscow có thể khiến các quốc gia châu Âu thiệt hại vào khoảng 100 tỷ euro và ảnh hưởng tới 2 triệu việc làm tại khu vực.
Về vụ Yukos, theo RT, bên lề Diễn đàn kinh tế tổ chức ở Saint Petersburg (Nga) ngày 19/6, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi kinh tế quốc gia tại Pháp và Bỉ bằng con đường luật pháp và khẳng định quan điểm Nga không thừa nhận quyền tài phán của tòa án La Haye.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã triệu đại sứ Bỉ tại Nga đến chất vấn và thông báo Nga coi động thái này của giới chức Bỉ là hành động thù địch công khai và cảnh báo sẽ trả đũa nhằm vào các tài sản của Bỉ ở Nga.
Cho tới thời điểm này, mức độ và ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa tài sản của Nga tại Bỉ và Pháp chưa được công bố. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, các tài khoản nhà nước của Nga bị Bỉ phong tỏa có thể đã được cho phép hoạt động trở lại.
Theo Sputnik và Presstv, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders cho biết, đã có một giải pháp để giải tỏa cho các tài khoản của cơ quan ngoại giao Nga tại Bỉ và các tài khoản khác sẽ cũng được làm như vậy.
Trong vài tuần gần đây, quan hệ đối đầu giữa Nga và phương Tây càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Từ dọa dẫm lẫn nhau cho đến trừng phạt và giờ hai bên đã có nhiều động thái sẵn sàng đấu đầu kinh tế.
Với EU, sau gần một năm áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đầy tranh cãi lên Nga, liên minh này dường như chưa có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục phải lao vào cuộc đối đầu đầy khốc liệt này trong bối cảnh họ vẫn đang loay hoay không biết tự vượt qua những khó khăn về kinh tế của mình. EU chưa có giải pháp giải quyết bài toán Hy Lạp đứng trước bờ vực phá sản, tương lai của liên minh EU và đồng euro.
Văn Minh