Các quảng cáo trên Facebook của ông Trump ra mắt trong tuần này có thêm một nút bất hoạt đề "Tăng trưởng GDP nhanh nhất trong lịch sử" kèm những hình ảnh chiến thắng của đương kim tổng thống. "Nhờ hành động táo bạo của Tổng thống Trump và sự lãnh đạo mạnh mẽ, nền kinh tế Mỹ chỉ đang tăng trưởng!", trích nội dung của một quảng cáo mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ET |
Kinh tế hồi phục hình chữ V hay K?
Ông Trump cũng đề cập tới thông điệp này trên Twitter trong những ngày gần đây. Theo lãnh đạo Nhà Trắng, nền kinh tế Mỹ đang "sẵn sàng thiết lập các kỷ lục mới" và "GDP dự kiến sẽ lớn". Động thái diễn ra khi nhà chức trách Mỹ chuẩn bị công số liệu dự báo GDP khi chỉ còn 5 ngày trước ngày bỏ phiếu quốc gia 3/11.
AP dẫn thông cáo ngày 29/10 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP của nước này trong quý 3 ước tính đã tăng tới 33,1%. Ông Trump có khả năng sẽ sử dụng điều này như át chủ bài cuối cùng để thuyết phục các cử tri rằng, nước Mỹ đang trên đà hồi phục hoàn toàn theo hình chữ V.
Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Kinh tế Mỹ đang phục hồi từ mức giảm 31,4% trong quý 2, mức suy thoái tồi tệ nhất từng được ghi nhận, trong bối cảnh các bang đồng loạt ra lệnh người dân ở nhà để phòng chống đại dịch Covid-19. Các chuyên gia nhận định, con đường bù đắp hoàn toàn các thiệt hại rất trắc trở, đặc biệt khi số ca nhiễm mới tăng nhanh hơn bao giờ hết ở Mỹ và các nhà lập pháp không thống nhất về gói giải cứu nền kinh tế.
“Mặc dù GDP tăng vọt trong quý 3 sẽ là mức tăng kỷ lục tính theo quý, nhưng nó không quá ấn tượng vì xảy ra sau sự sụp đổ của các hoạt động kinh tế trong quý 2. Ngay cả với mức tăng trưởng quý 3, GDP thực tế sẽ chỉ phục hồi khoảng 2/3 so với những gì đã mất trong quý 2", nhà kinh tế Mark Zandi giải thích trên kênh NBC.
Nền kinh tế tăng trưởng khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng kỷ lục là 40,7% trong 3 tháng vừa qua. Nhiều người ra khỏi nhà hơn so với các tháng trước đó, thời điểm gần như toàn quốc bị phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan. Các thị trường ôtô và nhà ở cũng được cải thiện khi người dân di chuyển ra khỏi thành phố và mua nhà, xe hơi để đi lại thay vì sử dụng phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, việc thiếu gói cứu trợ mới từ quốc hội đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói, thêm nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa và thêm nhiều cư dân sẽ bị trục xuất khỏi nhà trong những tháng tới. Tăng trưởng trong quý 3 được thúc đẩy nhờ các khoản trợ cấp thất nghiệp, các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và các khoản hỗ trợ trực tiếp, nhưng hiện không có biện pháp nào như vậy dành cho quý 4.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden gọi đây là sự phục hồi hình chữ K, tốt cho những người có thu nhập cao và không tốt cho những lao động thu nhập thấp. Ông Biden đổi lỗi cho cách ứng phó với đại dịch của ông Trump, cho rằng suy thoái kinh tế sẽ ít nghiêm trọng hơn nếu tổng thống lắng nghe các nhà khoa học về chính sách y tế công và đạt được thỏa thuận với Quốc hội về gói cứu trợ bổ sung.
Andrew Bates, phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử của ông Biden cáo buộc Tổng thống Trump đã tàn phá nền kinh tế phát triển mạnh mẽ mà ông được kế thừa từ chính quyền Obama - Biden. Ông Bates tin, việc ông Trump từ chối công nhận tình hình nghiêm trọng của đại dịch đồng nghĩa nền kinh tế đang đình trệ ngay ở thời điểm hiện tại, khi số lượng nhân viên bị sa thải và số ca nhiễm Covid-19 đều tăng vọt.
Lợi thế của ông Trump
Theo các số liệu thăm dò dư luận của RealClearPolitics, người Mỹ nhìn chung ủng hộ cách quản lý nền kinh tế của Tổng thống Trump, nhưng đông đảo không tán thành cách ông ứng phó đại dịch. Các cuộc khảo sát ý kiến người dân tại những bang chiến địa cho thấy, kinh tế là vấn đề hiếm hoi ông Trump có lợi thế hơn đối thủ Biden.
Tuyên bố của ông Trump rằng nền kinh tế đã sẵn sàng trở thành "tốt nhất từ trước đến nay" có thể phản ánh đúng sự thật đối với một nhóm nhỏ: các sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang thoải mái làm việc tại nhà. Những người Mỹ đó đang tiết kiệm tiền ăn uống, đi lại và chi phí giải trí. Một số đầu tư vào các thị trường đã thấy danh mục đầu tư của họ bắt đầu sinh lợi khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) mua vào lượng lớn chứng khoán.
Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp với tương lai mờ mịt. Nhiều người đã không thể trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp. Một số lượng lớn người Mỹ bị cho thôi việc hoặc phải giảm giờ làm. Hàng triệu người không đủ trang trải chuyện ăn uống khi tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng.
Các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục thông báo về những đợt sa thải lớn mỗi tuần. Ví dụ, tuần này, hãng Disney thông báo phải cho thêm nhiều nhân viên nghỉ việc. Cơ quan Quản lý giao thông đô thị New York cho biết, nếu không có thêm trợ giúp, họ sẽ phải cắt giảm tới 8.000 việc làm vào năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng việc làm đang chững lại và số người thất nghiệp hàng tuần vẫn ở mức cao.
Số ca nhiễm Covid-19 leo thang đã buộc một số bang phải triển khai những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, mùa đông sắp đến có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các nhà hàng.
Một số đảng viên Cộng hoài nghi khả năng thông điệp mới và cũng là át chủ bài cuối cùng của ông Trump sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Như nhận xét của Michael Steel, trong bối cảnh hiện tại, "không ai ở Mỹ còn cảm thấy hài lòng với nền kinh tế, dù các số liệu thống kê có như thế nào".
Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Tuấn Anh
Tổng thống Donald Trump với khát vọng ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’
Việc tỷ phú, trùm bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ từng gây chấn động dư luận cách đây 4 năm.
Joe Biden - Đối thủ đáng gờm của ông Trump
Ứng viên Joe Biden, sinh ngày 20/11/1942, nếu đắc cử sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ.