Hiện trạng
Nga hiện có 17 máy bay Tu-160 (NATO gọi là Black Jack), và theo kế hoạch đến năm 2027 sẽ có thêm 10 chiếc. Tu-95MS (NATO gọi là Bear) có 64 chiếc; Tu-22M3 (NATO gọi là Back Fire) hơn 120 chiếc.
Tu-160 là máy bay tiên tiến nhất, cánh chéo về phía sau và có thể cụp xoè để tăng, giảm tốc độ, tốc độ bay ngang lớn nhất là Mach 21, tầm bay 14.800km, có thể mang tới 23 tấn bom đạn gồm cả tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn trên 3.000km.
Máy bay ném bom Tu-160. Ảnh: RT |
Phương thức tác chiến chủ yếu của Tu-160 là bay hành trình tầng cao với tốc độ siêu thanh, đột phá tầng thấp với tốc độ cận âm thanh. Trên tầng cao có thể bắn tên lửa hành trình từ ngoài khu vực phòng thủ của đối phương. Khi làm nhiệm vụ chế áp phòng không, có thể bắn tên lửa tầm gần, ngoài ra còn có thể làm nhiệm vụ đột phá ở tầng thấp.
Máy bay Tu-95MS có tốc độ lớn nhất đạt 910 km/h, tầm bay 12.000 - 14.000km, có thể mang 10 quả tên lửa. Loại máy bay này có khả năng bay xuyên Bắc Cực, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chụp ảnh, trinh sát điện tử, tuần tiễu trên biển và chống tàu ngầm thì còn có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Tu-22M3 là máy bay ném bom siêu thanh đầu tiên được sản xuất dưới thời Liên Xô, tốc độ lớn nhất đạt 1.750 km/h, tầm bay 5.500km, có thể mang đến 12 tấn bom và tên lửa.
Máy bay Tu-22M3 có thể cất cánh từ các căn cứ ở miền tây Liên Xô trước đây để công kích phần lớn các quốc gia châu Âu, trừ Bồ Đào Nha và Na Uy, bằng phương thức tác chiến thấp-thấp-thấp với tốc độ bay Mach 0,65. Nếu được tiếp dầu trên không, có thể cất cánh từ các căn cứ trong nội địa.
Bố trí
Máy bay ném bom chiến lược Nga chủ yếu biên chế thuộc Tập đoàn quân không quân 37, gồm 2 sư đoàn ném bom hạng nặng số 22 và 326.
Sư đoàn 22 đóng tại Saratov trên vùng lãnh thổ châu Âu của Nga, có 4 trung đoàn. Sư đoàn 326 bố trí trên vùng lãnh thổ châu Á của Nga, cũng có 4 trung đoàn. Toàn bộ số máy bay TU-160 đều bố trí ở vùng lãnh thổ châu Âu của Nga, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu ở châu Âu và Ấn Độ Dương. Máy bay Tu-95MS phần lớn bố trí trên phần lãnh thổ châu Á, chủ yếu nhằm vào khu vực Thái Bình Dương và bờ biển miền Tây nước Mỹ.
Còn máy bay Tu-22M3 bố trí ở cả vùng lãnh thổ châu Âu và châu Á, chủ yếu đối phó với các mục tiêu ở tung thâm đất liền và mục tiêu lớn trên Thái Bình Dương và biển Baltic.
Ưu thế chiến lược
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân tầm xa của Liên Xô luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, nhiều trung đoàn máy bay ném bom chiến lược luân phiên làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu.
Từ năm 1992, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do khó khăn về kinh phí, Nga đã đơn phương huỷ bỏ các chuyến bay trực chiến của máy bay ném bom chiến lược. Từ tháng 8/2007, sau 15 năm gián đoạn, Nga bắt đầu khôi phục các chuyến bay sẵn sàng chiến đấu của lực lượng máy bay này.
Tiến hành các chuyến bay trực chiến của lực lượng máy bay ném bom chiến lược được xem là biện pháp quan trọng để duy trì sự răn đe chiến lược của Nga, do loại phương tiện này có những ưu thế mà các phương thức hạt nhân chiến lược khác không có.
Thứ nhất, đây là phương tiện mang thả hạt nhân giản đơn nhất, phổ biến nhất, ngưỡng kỹ thuật tương đối thấp so với phương thức phóng tên lửa chiến lược của hệ thống trên đất liền và trên biển.
Thứ hai, máy bay được sử dụng linh hoạt, không những có thể mang vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, có thể sử dụng nhiều lần, ngoài ra, khi phát hiện sai sót trong phán đoán thì có thể điều quay trở về, tránh được nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu về phụ tải do máy bay có thể mang số lượng lớn bom đạn với thể tích và trọng lượng tương đối lớn.
Thứ tư, nhờ khả năng cơ động trên không, máy bay không những có sức sinh tồn cao mà còn có thể thực hiện công kích bất ngờ, khả năng bị đối phương đánh trúng rất thấp.
Những năm gần đây, Nga đã hiện đại hóa hệ thống thông tin trên máy bay ném bom tầm xa để có thể tiếp nhận thông tin dẫn đường và chỉ huy từ mặt đất nhanh nhạy hơn, đồng thời tăng thêm nhiều chủng loại bom đạn công kích thông thường. Ngoài bay trực chiến, máy bay Tu-160 đã được sử dụng để không kích các mục tiêu của IS ở Syria.
Nguyên Phong
Màn duyệt binh trên không ngoạn mục của chiến cơ Nga
Các trực thăng và máy bay chiến đấu phản lực của Nga với đủ hình dạng, kích cỡ đã có màn trình diễn ấn tượng phía trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow để kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít.
Tiêm kích Nga đối đầu máy bay trinh sát Mỹ trên Thái Bình Dương
Một máy bay chiến đấu MiG-31 của Nga đã áp sát và bám đuôi một máy bay trinh sát của Mỹ trên Thái Bình Dương hôm 23/4.